Bí quyết giữ chồng của một người vợ hạnh phúc viên mãn

Đã là đàn ông thì ít ai không nhậu nhẹt, ăn uống cùng bạn bè bao giờ. Vậy mà hơn 15 năm nay, chồng chị Xuân chưa bao giờ ra ngoài ăn uống, ngồi nhậu để vợ con phải chờ hay phần cơm. Thậm chí có đi đám cưới hay liên hoan anh cũng thu xếp nhanh về để ăn cùng vợ con.

15.5921

Mỗi người phụ nữ đều có những bí quyết giữ chồng riêng, và cách của người phụ nữ hạnh phúc này có thể là một “chìa khóa vàng” đề bạn “mở” cánh cửa hạnh phúc cho riêng mình!

Giữ chồng bữa cơm gia đình

Đa phần chị em đều than vãn vì chồng cứ hết giờ làm là lại lang thang quán xá cùng bạn bè. Nhưng riêng với gia đình chị Nguyễn Ngọc Xuân (khu tập thể Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội) thì khác. Dù đã sống với nhau có 2 đứa con nhưng chồng chị chưa bao giờ ra ngoài ăn uống nhậu nhẹt để vợ con phải chờ cơm. Đơn giản là vì chị là người phụ nữ khéo léo, đảm đang luôn biết cách kéo chồng về với bữa cơm gia đình bằng tài nấu nướng của mình. Chị không chỉ nấu ăn ngon mà còn trang trí trình bày món ăn rất hấp dẫn.

Chị Xuân cho biết, chị rất coi trọng bữa cơm trong gia đình, đặc biệt mâm cơm tối là lúc để các thành viên được quây quần bên nhau. Chị chia sẻ: “Với mình bữa tối trước hết là sự bù đắp cho bữa trưa anh xã phải ăn tạm cơm phần ở cơ quan, các con phải ăn những món có thể không hợp khẩu vị khi ở trường. Vào bếp với mình thực sự là niềm vui, là nơi thư giãn sau một ngày làm việc. Mình luôn mong muốn mang lại những món ăn ngon cùng với những ngạc nhiên nho nhỏ thú vị cho các con, nên ngoài việc nấu ngon mình luôn tận dụng chính những nguyên liệu của chính món ăn đó để trang trí cho bữa ăn thêm phần sinh động và ngon mắt hơn”.

Không chỉ nấu ăn ngon, trình bày món ăn đẹp mắt chị còn thường xuyên lên mạng đọc báo tìm hiểu những món ăn ngon, mới lạ để các thành viên trong gia đình không bị nhàm chán. Khiến cho chồng chị không thể bỏ lỡ những món ăn hàng ngày do chị nấu.

Không ít người nhìn mâm cơm nhà chị sẽ nghĩ, chắc chị phải rảnh rang lắm mới có thời gian nấu nướng cầu kỳ như vậy. Thực tế là chị cũng bận rộn như bao phụ nữ hiện đại khác khi vừa đảm nhiệm vai trò trưởng phòng kinh doanh ở một công ty lớn. Điều khác biệt là chị biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng giữa công việc và chăm sóc chồng con.

Chị chia sẻ: “Cách tốt nhất để mình có thể cân bằng được giữa công việc, chăm sóc chồng con mà vẫn dành thời gian cho bản thân đó là mình luôn có thói quen cùng lúc làm nhiều việc chứ không đợi làm xong việc này rồi mới làm sang việc khác. Và quan trọng nhất là cần phải có kế hoạch và sự sắp xếp khoa học, việc gì làm trước, việc gì làm sau, và những việc gì có thể kết hợp làm cùng nhau…”.

Ngoài công việc ở văn phòng, chăm sóc con cái, nhà cửa, chị còn nhận đơn hàng làm thực phẩm ngoài giờ. Chị bảo đó là sở thích và đam mê của chị nên dù có bận rộn nhưng không thấy căng thẳng, mệt mỏi.

“Có nhiều người hỏi tôi sao tất bật như vậy mà vẫn có thời gian nấu ăn, những món ăn công phu. Thực ra mọi người ai cũng nghĩ vất vả nhưng đối với mình rất nhẹ nhàng. Trong lúc nấu cơm bạn vẫn có thể làm những việc khác dọn nhà, giặt quần áo…Thỉnh thoảng cả nhà đi du lịch vào cuối tuần. Nói chung dù có hơi bận rộn nhưng cảm thấy vui", chị Xuân chia sẻ.

Lắng nghe và sắp xếp

Hai vợ chồng chị Xuân sinh được cháu trai 16 tuổi, cháu gái 10 tuổi. Anh chị luôn sống với nhau rất hạnh phúc, chưa từng xảy ra tranh cãi.Với chị, giai đoạn 1 năm sau khi kết hôn là giai đoạn thử thách lớn nhất.

“Cuộc sống mới sau khi kết hôn thực sự là phức tạp, khi ấy cả hai vợ chồng còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và có rất nhiều thứ phải thích nghi. Ngoài công việc thì trong gia đình còn phải học cách đối nhân xử thế, học cách tổ chức sắp xếp cuộc sống riêng của mình và phải học cách dung hòa, thích nghi với cuộc sống gia đình nhà chồng, nhà vợ.

Ngay bản thân hai vợ chồng với nhau cũng có quá nhiều vấn đề, sự khác nhau về tư tưởng, về quan điểm sống, về cái “tôi” trong mỗi người là trở ngại lớn nhất dẫn đến những mâu thuẫn trong cuộc sống mới. Thêm một trở ngại nữa là sau khi cưới, vì điều kiện công tác nên hai vợ chồng không được ở gần nhau thường xuyên nên không giống như những cặp vợ chồng trẻ khác, cuộc sống hôn nhân khi đó có thể nói là ‘tạm bợ” vì cả hai chưa thực sự cùng sống chung một mái nhà.

Chị Xuân cho rằng một người vợ tốt, thông minh, biết cách tổ chức sắp xếp cuộc sống, luôn chung thủy sẽ biết cách giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình cũng như nuôi dạy con cái một cách đúng đắn.

"Đã có lúc cả hai cùng cảm thấy chán nản và bế tắc, nhưng rồi cả hai cùng ngồi lại, nói chuyện nghiêm túc với nhau và xác định rõ những điểm cần phải điều chỉnh để có thể nhanh chóng hòa hợp trong cuộc sống. Cuối cùng thì rất may mọi vấn đề đã được khắc phục, tuy không thể ngay và luôn nhưng quan trọng là cả hai đã cùng xác định rõ tinh thần nên theo thời gian, mọi thứ đã dần trở nên tốt đẹp hơn. Và tụi mình đã vượt qua được 4 giai đoạn thử thách dựa trên tinh thần xây dựng, hợp tác và quan trọng nhất là phải biết lắng nghe và điều chỉnh mọi hành vi cũng như suy nghĩ, quan điểm sống cùng hướng đến một cái đích chung đó là xây dựng và vun vén cho một tổ ấm mà sau mỗi ngày làm việc mọi thành viên đều háo hức muốn trở về”, chị Xuân chia sẻ.

Tính chị vốn thẳng thắn, kỹ tính và đôi khi hơi nóng nảy. Chị bảo, vợ chồng cùng tuổi nên hay khắc khẩu. Nhưng cũng may là anh xã điềm đạm, vị tha và xuề xòa nên ít khi giận nhau lâu.

Chị kể: “ Từ khi lấy nhau hai vợ chồng rất ít cãi nhau, nếu lần nào có giận nhau thì anh lại là người làm lành trước. Dần dần mình thấy cách giận của mình như vậy chỉ làm cho chính bản thân mình khó chịu, tinh thần không thoải mái, ức chế khi làm việc… Và mình đã điều chỉnh, dẹp bỏ tự ái cá nhân, mỗi khi có vấn đề gì hai vợ chồng sẽ thẳng thắn trao đổi ngay để cùng rút kinh nghiệm, xong là vui vẻ chứ không để tình trạng giận dỗi kéo dài. Cho nên hiếm khi hai vợ chồng giận nhau lâu, lỡ giận nhau từ tối hôm trước làm lành rồi mà vẫn chưa thoải mái nhưng đến chiều đi làm về gặp nhau, nhìn vẻ mặt vui tươi “như chưa hề có sự vụ gì” và những lời hỏi han ân cần cùng những cử chỉ thân mật của chồng thì mọi sự buồn bực thực sự là biến mất, và con tim khi ấy sẽ vui trở lại”.

Chị bảo, tuy không có sự phân công rõ ràng nhưng các thành viên đều tự ý thức về trách nhiệm vun vén cho gia đình, từ thành viên nhỏ nhất cho đến bố mẹ, ai cũng phải làm việc khi ở nhà. Anh xã ngoài xã hội là Giám đốc nhưng về nhà chưa bao giờ từ chối giúp vợ cũng như hai bé chưa bao giờ làm ngơ trước những việc mà bố mẹ phân công hay sai vặt.

Dù thời đại mới đã có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận về Công-Dung-Ngôn-Hạnh nhưng theo chị thì người phụ nữ hiện đại vẫn rất cần phải hộ tụ đủ tứ đức ấy để duy trì hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái. Ngoài việc trau dồi chuyên môn nghiệp vụ trong công việc, chị em cũng cần có sự khéo léo về nữ công gia chánh, biết nấu những món ăn ngon cho chồng con, cho người thân và đôi khi là thết đãi bạn bè để gắn kết tình cảm. Chị em đồng thời phải biết cách tổ chức sắp xếp cuộc sống, quán xuyến chăm lo gia đình và nuôi dạy con cái.

Trong thời đại văn minh, chị em thường chăm sóc cho dung nhan, bề ngoài của mình nhiều hơn. Tuy nhiên ngoài việc chú ý đến vẻ đẹp hình thức cũng cần phải có một tâm hồn đẹp để luôn tự tin trong công việc ngoài xã hội và đáng yêu trong mắt chồng con khi trở về nhà sau mỗi ngày làm việc.

Theo Tầm nhìn, phụ nữ cần biết cân bằng giữa công việc cũng như trong các mối quan hệ xã hội và cả trong gia đình, kỹ năng giao tiếp cũng hết sức quan trọng, không cần quá nghệ thuật và quá trau chuốt nhưng cần phải có sự khéo léo thông minh trong việc sử dụng ngôn từ, cách thức giao tiếp ứng xử.

Một người vợ thông minh, khôn khéo thường biết cách tổ chức sắp xếp cuộc sống, luôn chung thủy sẽ biết cách giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình cũng như nuôi dạy con cái một cách đúng đắn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]