Thế nhưng điều thu hút lớn nhất của Tâm Phan chính là những suy nghĩ thẳng thắn và bao giờ cũng thế, mỗi lần xuất hiện đều mang theo một điều bí mật đặc biệt với công chúng. Vậy nữ nhà văn của “Sex và những thứ khác” nghĩ như thế nào về người đàn ông hoàn hảo

Theo chị như thế nào là một người đàn ông hoàn hảo?

Theo tôi chẳng có người đàn ông nào hoàn hảo cả. Bản thân tôi cũng không hoàn hảo nên tôi không bao giờ đặt tiêu chuẩn “hoàn hảo” cho ai. Các cụ vẫn nói “nhân vô thập toàn”, một người đàn ông có thể được coi là “hoàn hảo” với người phụ nữ này nhưng đối với phụ nữ khác anh ta lại bị coi là nhiều khiếm khuyết. Hoàn hảo chỉ là 1 khái niệm tương đối. Sự hòa hợp mới là quan trọng trong một mối quan hệ. 2 người không “hoàn hảo” trong cái nhìn của người khác nhưng lại “hòa hợp” với nhau thì họ lại tạo ra một cặp đôi hoàn hảo. 

Người ta bảo “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm”, quan niệm này ngày nay có còn chính xác không?

Quan niệm ấy ngày nay vẫn đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Đúng vì bản năng người phụ nữ và thiên chức làm mẹ luôn thôi thúc người đàn bà chăm lo vun vén cho tổ ấm của mình. Tuy nhiên, phụ nữ ngày nay độc lập hơn, mạnh mẽ hơn, họ có thể vừa xây nhà, vừa xây tổ ấm hoặc đổi vị trí cho đàn ông “họ đi xây nhà để đàn ông xây tổ ấm”. Việc hoán đổi vị trí này vẫn còn hiếm ở Việt Nam nhưng ở các nước phát triển, đàn ông nội trợ chăm con để vợ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình lại là một việc rất đỗi bình thường. 

 

Khoa học chứng minh đàn ông là loài có máu trăng hoa, nếu người đàn ông của chị trót dại “ăn phở” chị có sẵn lòng tha thứ hay không?

Tùy vào hoàn cảnh và mức độ để có thể tha thứ. Dĩ nhiên sự phản bội nào cũng khó tha thứ, nhưng cơ sở để tha thứ lại không phải dựa vào hành động ngoại tình mà là “động cơ ngoại tình”. Nếu vì “hết yêu” thì không còn gì để níu kéo, có tha thứ cũng không giải quyết được vấn đề, bởi vì khi đã hết yêu vợ thì việc ngoại tình hay không ngoại tình cũng như nhau. Nếu vì hoàn cảnh gây chia xa, vợ chồng không được gần nhau trong một thời gian dài thì việc ngoại tình do nhu cầu sinh lý (không có tình cảm) có thể được xem xét. Nhưng nói chung, cá nhân tôi rất khó tha thứ cho việc ngoại tình dù với bất kì lý do gì.

Chị có cho rằng đàn ông đẹp trai, thông minh, học giỏi đã lỗi thời?

Như đã nói ở trên, không có một chuẩn mực nhất định nào cho đàn ông hay đàn bà. Tiêu chuẩn “đẹp trai, thông minh, học giỏi” có thể đúng với một số phụ nữ nhưng có người lại chỉ cần “giàu”, không cần gì khác. Thời nay vẫn có người thích đàn ông đẹp trai, thông minh, học giỏi nhưng tôi nghĩ đó là những cô gái trẻ, ít kinh nghiệm sống. Bởi vì thực tế tôi thấy rất nhiều người đàn ông không có bằng cấp học vấn nhưng lại là những người thành đạt trong xã hội. 

Tại sao phụ nữ lại thích một "người tình hư "và một "người chồng ngoan"?

Có lẽ vì khi là người tình, tính sở hữu chưa cao, quan hệ chưa có sự ràng buộc nên sự “hư” đó dễ dàng được bỏ qua và thậm chí còn là điểm hấp dẫn nữa. Khi lấy chồng, mọi hành vi, cách cư xử của chồng đều ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến vợ, đến con cái và cuộc sống chung. Một ông chồng say rượu về cưỡng bức hiếp dâm vợ trước mặt con cái thì đáng bị lên án, nhưng 1 người tình say rượu đòi hỏi tình dục thì lại có thể được đáp ứng nhiệt tình, bởi họ không có mối ràng buộc nào ngoài sex và họ không phải chịu trách nhiệm với ai. 

Nhà văn Trang Hạ từng gây bão dư luận khi cho rằng “Đàn ông về nhà chỉ ăn và ngủ thì chỉ là con lợn”. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?

Phát ngôn này tôi thấy không sai, chỉ là sự so sánh thô thiển gây phản cảm cho nhiều người. Đúng là con người mà chỉ ăn và ngủ thì không khác gì vật nuôi trong nhà. Tôi hiểu ý Trang Hạ rằng đàn ông cần phải chia sẻ việc nhà với vợ, đó cũng là cách để bày tỏ tình yêu và thương vợ. 

Theo chị đâu là đức tính quý nhất ở một người đàn ông?

Đời người đàn ông trải qua nhiều giai đoạn và đức tính của người đàn ông cũng tùy thuộc vào mối quan hệ với từng người phụ nữ. Đối với mẹ, đức tính quí nhất là sự hiếu thuận. Đối với vợ, đức tính quí nhất có thể là lòng thủy chung son sắt. Đối với con, đức tính quí nhất là sự thấu hiểu tâm lý. Đối với đồng nghiệp, đức tính quí nhất là sự ân cần. Nói chung, tùy từng người với từng đối tượng khác nhau mà ta có thể gọi ra được đức tính quí nhất ở một người đàn ông. 

Vậy còn đức tính gì đáng ghét nhất ở các đấng mày râu?

Có lẽ là “chỉ ăn và ngủ như một con lợn” như chị Trang Hạ nói (cười vang). Cá nhân tôi thì tôi ghét nhất sự dối trá. Tôi luôn có thể chấp nhận mọi sự thật phũ phàng nhưng tôi không thể chấp nhận được sự dối trá.

Có ý kiến cho rằng đàn ông hoàn hảo phải hội đủ 3 in 1: Thành công ngoài xã hội, mạnh mẽ trong phòng ngủ và trên hết là một người bạn tri âm tri kỉ? Liệu như thế có phải là quá nhiều?

Tôi thấy người đưa ra ý kiến này đã tự đặt cho mình 1 barem chuẩn “hoàn hảo” về người đàn ông của mình. Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng sắp đặt theo ý muốn của mình. Người đàn ông như vậy có thể không tồn tại, hoặc có tồn tại thì cô ấy lại không có cơ hội gặp, hoặc cô ấy có thể gặp một người y như vậy nhưng chỉ là giả tạo nhất thời, sau khi lấy làm chồng rồi thì anh ta có thể bị phá sản, một tai nạn nào đó khiến anh ta không thể mạnh mẽ trong phòng ngủ và anh ta có thể có một người đàn bà khác làm tri âm tri kỉ. Không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, cho nên việc đặt ra tiêu chuẩn “hoàn hảo” cũng chỉ là mô hình bày trong tủ kính. 

Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để có thể “lạt mềm buộc chặt” người đàn ông của đời mình?

Thực ra tôi chưa bao giờ có 1 “kế hoạch giữ chồng”, bí quyết duy nhất của tôi là “không kỳ vọng”. Tôi không kỳ vọng chồng tôi sẽ sống với tôi đến hết đời. Xin đừng hiểu sai, ai cũng mong được chung sống hạnh phúc với một người đến đầu bạc răng long, tôi cũng vậy. Tuy nhiên, có nhiều biến cố cuộc đời có thể xảy ra. Chồng tôi có thể yêu một người đàn bà khác và anh ấy tin rằng đó mới chính là tình yêu của cuộc đời anh ấy. Bản thân tôi cũng có thể gặp 1 người khiến tôi say mê, bỏ chồng bỏ con. Việc đó tôi không mong xảy ra, nhưng không có nghĩa là nó không bao giờ xảy ra. Tôi sống và yêu hết mình ngày hôm nay, cho chồng, cho con tôi. Lẽ tự nhiên, anh ấy cũng hết mình đáp trả những gì anh ấy nhận được và tình yêu của chúng tôi ngày một thăng hoa. Chúng tôi cùng tận hưởng hạnh phúc bên nhau và đó chính là chiếc lạt mềm đã buộc chúng tôi lại. (cười)

Tâm Phan sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Trường Quản trị Kinh doanh (Hà Nội) và học bằng Diploma Event Management (Úc), hiện chị là chuyên viên tổ chức hội nghị. Tâm Phan đang sống với chồng, Simon Eccleshall, và con gái Jenna ở Geneva, Thụy Sĩ. Simon là Trưởng ban Cứu trợ thảm họa thiên nhiên toàn cầu của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Sau cuốn Hồi ký Tâm Phan được đón nhận tại Việt Nam, chị tiếp tục ra mắt cuốn sách: Lần đầu làm mẹ, Sex & những thứ khác, Yêu như là sống gây xôn xao dư luận

Nguồn: ngaynay