Bí quyết giữ hơi thở luôn thơm

SKĐS - Hành, tỏi, hành tây là các gia vị rất hay gặp trong các món ăn và chứa hàng chục hợp chất lưu huỳnh có mùi tự nhiên,

15.6592

Những thực phẩm, đồ uống làm hơi thở của bạn có mùi hôi

Hành, tỏi, hành tây là các gia vị rất hay gặp trong các món ăn và chứa hàng chục hợp chất lưu huỳnh có mùi tự nhiên, chúng sẽ lưu lại trong miệng sau khi ăn và hấp thụ vào máu, đồng thời tiếp tục phát tán qua hơi thở.

Thực phẩm giàu protein: Chế độ ăn quá nhiều protein và thiếu cacbon hydrat, gan sẽ chuyển hóa chất béo tạo năng lượng sinh ra xeton làm hơi thở có mùi như táo thối. Ngoài ra, chỉ cần lượng nhỏ thịt, cá... giàu protein giắt giữa các kẽ răng cũng sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng và gây mùi rất khó chịu. Vì vậy, chúng ta nên nạp đủ các nhóm chất dinh dưỡng, cân bằng trong bữa ăn hằng ngày.

Nhóm đồ uống, bánh kẹo: Rượu, bia... không những làm hơi thở có mùi cồn mà còn khiến bạn bị khô miệng, tiết ít nước bọt. Bất kì nguyên nhân nào gây khô miệng đều sẽ dẫn đến hơi thở hôi. Cà phê, bánh, mứt, kẹo... chứa đường đều có thể gây hôi miệng khi không được vệ sinh trong vài tiếng sau khi ăn, vi khuẩn sẽ sinh sôi rất nhanh khi trong miệng bạn có đường.

Thực phẩm gì giúp hơi thở luôn thơm?

Rau thơm: Rau mùi, thì là, húng quế, ngải giấm, hương thảo, cần tây... giúp giảm chứng hôi miệng rất hiệu quả và sẵn có. Bạn có thể nhai trực tiếp hoặc ngâm nước nóng dùng như trà.

Các loại quả: Táo với vị thơm tự nhiên và chứa nhiều polyphenol có khả năng trung hòa các hợp chất lưu huỳnh, kích thích tiết nước bọt và làm sạch răng tự nhiên. Đu đủ và các loại quả giàu vitamin C khác như dâu tây, chanh tươi, cam, kiwi... Vitamin C kìm hãm khả năng sản sinh của vi khuẩn gây mùi và giảm nguy cơ viêm nướu rất hiệu quả.

Các loại quả, sữa chua... giúp hơi thở thơm.

Vỏ chanh, cam, quýt chứa tinh dầu thơm khử mùi hiệu quả nhưng chỉ dùng khi bạn chắc chắn chúng sạch sẽ, có nguồn gốc rõ ràng. Khi có chất bảo quản độc hại thì vỏ các loại quả này cũng là nơi chứa độc tố nhiều nhất.

Trà là đồ uống rất phổ biến, trong trà chứa tanin, có tác dụng làm săn chắc nướu răng, hạn chế hoạt động của vi khuẩn trong miệng. Có thể uống trà hay nhai một chút trà mạn hay trà xanh đều có tác dụng khử mùi tốt.

Sữa chua: Trong sữa chua có chứa lợi khuẩn Probiotic, Lactobacillus bulgaricus, Streptococcus thermophiles. Ăn sữa chua hàng ngày đã được chứng minh có thể giảm sự phát triển của vi khuẩn sản sinh ra hydrogen sulfide, thủ phạm chính gây mùi trong miệng. Sữa chua không đường được khuyên dùng hơn sữa chua có đường.

Kẹo cao su: Nhai kẹo cao su có đường chỉ giúp bạn cải thiện hơi thở trong thời gian ngắn, vi khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi phân hủy đường gây mùi khó chịu. Kẹo cao su không đường hay chứa đường 5 carbon (xylitol) với vị ngọt tự nhiên nhưng không bị lên men do vi khuẩn, giảm axít trong miệng. Xylitol (xilen-hemixenluloza) được chiết xuất từ cây bu-lô, cây sồi xanh và một số loại cây khác. Xylitol có khả năng kích thích bài tiết nước bọt, giảm mảng bám vi khuẩn, ức chế hình thành axít gây sâu răng. Tuy nhiên, thói quen nhai kẹo cao su quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe.

Nước: Uống nhiều nước chính là cách đơn giản nhất để giữ hơi thở thơm tho. Nước rất quan trọng trong cân bằng chuyển hóa, thanh lọc cơ thể, giúp các tuyến nước bọt hoạt động hiệu quả. Khi cơ thể thiếu nước, nước bọt cũng sẽ giảm theo do cơ chế lưu giữ độ ẩm của cơ thể.

Rau quả: Cải xanh, cà rốt, dưa chuột... cũng có tác dụng giảm lượng vi khuẩn gây hại trong miệng, kích thích tiết nước bọt.

Bánh mỳ: Với các bạn đang thực hiện chế độ ăn kiêng low carb, cơ thể thay đổi chuyển hóa dẫn đến hình thành xeton có mùi. Ăn bánh mỳ giúp giảm lượng xeton và cải thiện hơi thở của bạn.

Gừng: Có thể dùng gừng tươi cắt lát hay dùng như trà uống nước hàng ngày. Gừng có tác dụng khử mùi tự nhiên rất hiệu quả.

Dầu dừa: Ngoài tác dụng tốt với làn da, bạn có thể súc miệng bằng 1 - 2 thìa cà phê dầu dừa mỗi ngày, dầu dừa có tính diệt khuẩn và mùi thơm tự nhiên.

BS. Lê Huy Thành

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]