Bí quyết giúp mẹ bầu ngủ ngon ở những tháng cuối thai kỳ

31.2816

Khi thai ngày càng lớn, bạn thường trải qua nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ vô cùng mệt mỏi. Bạn đã biết vì sao và làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?

Bạn cảm thấy mình hay buồn ngủ, ngủ nhiều vào ba tháng đầu thai kỳ. Đó là do cơ thể bạn đang có nhiều thay đổi. Cơ thể phải tạo nhiều máu hơn và tim đập nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu cho sự hình thành và phát triển của nhau thai. Tuy vậy, vào ba tháng giữa và ba tháng cuối, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề xảy ra trong thai kỳ khiến bạn khó ngủ.

Đa phần các bà bầu mất ngủ ở tháng cuối của thai kỳ

Tin liên quan:

Kẻ quấy rối giấc ngủ

Bạn sẽ trải qua nhiều cảm giác khác nhau và đây là những nguyên nhân khiến bạn khó có thể ngon giấc như:

+ Điều đầu tiên là cảm giác khó chịu khi bụng ngày càng to lên: Nếu từ trước đến giờ quen nằm ngửa hay nằm sấp khi ngủ, bạn sẽ có cảm giác khó ngủ vì phải nằm nghiêng khi thai lớn. Ngoài ra, việc xoay trở mình cho đỡ mỏi giữa đêm cũng trở nên khó khăn hơn khi bụng bạn đã nặng và to.

+ Mắc tiểu liên tục: Vào ba tháng cuối, tử cung to lên, chèn ép vào bàng quang khiến bạn thường xuyên mắc tiểu. Thận của bạn phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng máu tăng lên (khoảng 30 đến 50%) so với khi chưa mang thai khiến bạn có nhiều nước tiểu hơn.

+ Tim đập nhanh hơn: Khi thai nhi hoạt động nhiều về đêm sẽ khiến tim đập nhanh hơn để tăng lượng máu bơm. Khi lượng máu đưa nhiều về tử cung, tim bạn lại phải làm việc tích cực hơn để đưa máu tới những bộ phận khác trong cơ thể.

+ Khó thở: Đó là do tử cung to lên, chèn ép vào cơ hoành nằm ngay dưới phổi. Khó thở khiến bạn trằn trọc, mất ngủ.

+ Chuột rút và đau lưng: Những cơn đau đột ngột ở chân và mỏi lưng một phần là do bạn tăng cân. Ngoài ra, lúc này cơ thể cũng sản xuất ra hóoc môn relaxin làm giãn các dây chằng trong cơ thể, khiến bạn giữ thăng bằng kém và dễ bị đau lưng.

+ Đầy hơi, ợ chua: Khi mang thai, toàn bộ hệ tiêu hóa làm việc chậm lại, thức ăn ở lại trong dạ dày và ruột lâu hơn khiến bạn hay bị đầy hơi, ợ chua và khó ngủ.

+ Căng thẳng, lo lắng: Liệu em bé có khỏe không? Bạn có thể là bà mẹ tốt không? Sinh nở có đau nhiều không? Những lo lắng đó cũng khiến bạn  khó ngủ.

Để mẹ bầu có được giấc ngủ ngon

Bạn nên tập nằm ngủ nghiêng, với chân hơi gập lại ngay từ đầu thai kỳ. Tư thế này sẽ giúp bạn cảm giác dễ chịu hơn khi bụng to lên. Nằm nghiêng sang trái tốt hơn vì tử cung sẽ không đè lên gan như khi nằm ở bên phải. Ngủ nghiêng bên trái cũng gia tăng lượng máu chảy về tim, di chuyển đến tử cung, thai nhi và thận.

Mẹ bầu nên nằm nghiêng để thoải mái hơn khi bụng to dần

Để giảm cảm giác mắc tiểu liên tục, bạn uống nhiều nước vào ban ngày và hạn chế uống nước vào 1-2 giờ trước khi đi ngủ.
Tránh đầy hơi, ợ chua bằng cách chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, và ăn 4-5 lần/ ngày thay vì chỉ ăn 3 bữa/ ngày. Ăn tối ít nhất 3-4 giờ trước khi đi ngủ và tránh thức ăn nhiều gia vị.

Nếu thức dậy giữa đêm vì bị chuột rút, bạn hãy kéo giãn bắp chân bằng cách nhấc chân lên rồi nhẹ nhàng xoa bóp chân, đặt một chai nước nóng lên phần bị chuột rút. Sau đó, bạn có thể ngồi dậy và đi lại, vận động nhẹ nhàng.

Tắm nước ấm trong 15 phút hoặc uống một ly sữa ấm, trà thảo dược cũng giúp bạn dễ ngủ hơn. Một số bà bầu cảm giác ngủ ngon hơn nếu ban ngày vận động và tập thể dục. Tuy nhiên, bạn nhớ cần tập vài giờ trước khi ngủ. Nếu không, các chất endorphin và adrenaline tiết ra khi tập có thể khiến bạn khó ngủ.

Đừng căng thẳng nhìn đồng hồ vì sẽ càng làm bạn khó ngủ hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi thôi cố ngủ, bạn có thể ngủ nhanh hơn. Bạn cũng có thể đọc một quyển sách, khi đủ mệt và mỏi mắt, bạn sẽ ngủ nhanh hơn. Ngoài ra, bạn cũng thường xuyên thấy nóng hơn bình thường nên cần để nhiệt độ phòng mát mẻ và mặc quần áo rộng rãi để dễ ngủ hơn.

Theo Kienthucgiadinh.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]