Bí quyết giúp phụ nữ đảm đang thời hiện đại

15.5967

Người vợ hạnh phúc là người biết giặt quần áo cho chồng. Trước khi giặt, cô ấy phải cẩn thận lộn các túi quần, túi áo, tiện thể kiểm tra tiền trong ví, nếu nhiều quá thì phải cất bớt giúp chồng. Ông chồng nào cũng hài lòng khi có vợ chu đáo.

Đó là một kinh nghiệm nhỏ mà Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiển chia sẻ trong buổi sinh hoạt nữ công của Liên đoàn Lao động quận 1, TP HCM, mới đây. Ngày nay, cuộc sống của người phụ nữ không chỉ là nội trợ và chăm lo chồng con, bó hẹp trong 4 bức tường nhà, để toàn bộ vấn đề tài chính cho chồng gánh vác. Chị em đã tham gia vào các công tác xã hội, rất nhiều người đã có những vị trí cao ở nơi làm việc.

Trong công việc, trách nhiệm của phụ nữ cũng quan trọng như nam giới. Làm thế nào để chị em có thể cân bằng giữa công việc và gia đình, vui vẻ khi đi làm và hạnh phúc khi về nhà? Dưới đây là vài bí quyết của chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiển.

Chị em hãy nhờ chồng san sẻ một phần công việc - Ảnh: media.nj.com

Không so sánh chồng mình và chồng người khác

Hiện tỷ lệ ly hôn cao hơn ngày trước; ở thành phố, gia đình dễ tan vỡ hơn nông thôn. Bởi vì đi làm, người phụ nữ được mở rộng quan hệ xã hội, khi quan hệ xã hội càng rộng, con người ta càng dễ nảy sinh tư tưởng so sánh. Các bà vợ thấy chồng mình hơn những người đàn ông khác thì vui, chồng kém thì buồn. Buồn rồi lại hay nghĩ đến người đàn ông hơn chồng mình, dẫn đến thời gian nghĩ về người kia chiếm hết cả thời gian lẽ ra dành cho chồng, rồi ngoại tình trong tâm tưởng... Nếu muốn hạnh phúc, chị em nên nghe theo lời khuyên của các cụ ngày xưa “Chồng em áo rách em thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

Độc lập về kinh tế

Nghèo khiến người ta bất hạnh nhưng giàu có chưa hẳn đã đem lại hạnh phúc. Một người phụ nữ hạnh phúc khi cô ấy được độc lập - có nghĩa là có khả năng làm việc, có học vấn và có nghề nghiệp. Chồng giàu hay nghèo, người vợ vẫn nên đi làm, có thu nhập để lo cho mình và cho con. Nếu sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, chị em sẽ tự biến mình thành nô lệ của ông xã. Tuy nhiên, độc lập về kinh tế trong xã hội Việt Nam không giống xã hội phương Tây, chồng một tài khoản, vợ một tài khoản. Văn hóa Việt Nam vẫn coi trọng “của chồng công vợ”.

Giáo sư Hiền ví von: Với nhiều người phụ nữ, ngày hạnh phúc nhất trong tháng chính là ngày chồng mang lương về nộp. Đàn ông có nhiều tiền trong túi dễ sinh hư bởi nam giới vốn “đại lượng”, có bao nhiêu tiền phải tiêu hết bấy nhiêu, cà phê xong vẫn còn tiền thì đi nhậu nhẹt, bia bọt. Nhậu nhẹt bia bọt xong, tiền vẫn còn rủng rỉnh thì làm tiếp tăng 3, tăng 4…

Vì thế một người vợ hạnh phúc chính là người biết giặt quần áo cho chồng. Trước khi giặt quần áo, phải kiểm tra tất cả các túi, tiện thể kiểm tra ví chồng. Nếu tiền nhiều quá, người vợ phải có trách nhiệm cất bớt đi hộ chồng, chỉ để lại một khoản đủ tiền cà phê sửa xe… Người chồng nào cũng yên tâm giao tiền cho vợ khi biết vợ chu đáo đảm đang. Anh ấy không bao giờ thiếu tiền để mất mặt với bạn bè cũng như không quá nhiều tiền để có cơ hội hư hỏng.

Bạn đừng nghĩ phải là cái gì quá to tát, đôi khi hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ nhặt. Một bà vợ không chịu giặt quần áo, không chịu chu đáo với chồng là đã tự mình tước đi quyền chăm sóc chồng cũng như những quyền lợi kinh tế khác.

Vợ chồng phải sống cho nhau

Cả hai có thể tự do làm điều mình muốn nhưng không làm phiền người khác. Nếu chồng đang nghỉ trưa, người vợ sẽ đi nhẹ, nói khẽ, chứ không phải đá thúng đụng nia ầm ĩ nhà cửa để ông xã phải dậy. Tuy nhiên, người chồng ngủ cũng phải biết ý, không phải ngủ tự do, để mặc việc nhà cho vợ con. Đấy là vô trách nhiệm.

Gia đình hạnh phúc khi vợ chồng biết tôn trọng nhau, không xúc phạm đến nhau, đặc biệt không hạ thấp nhau ở chỗ đông người. 10 ông chồng Việt Nam thì cả 10 đều sợ vợ, nhưng các ông lại rất sợ thiên hạ biết rằng mình sợ vợ. Trước mặt đông người, các bà vợ nên cho các ông chút sĩ diện, muốn chê trách chồng thì nhớ chọn lúc chỉ có hai người.

Mối quan hệ vợ chồng cũng như mèo đuổi chuột, còn vờn nhau là còn hạnh phúc. Chứ đuổi nhau đến đường cùng là rất nguy hiểm.

Làm sao để đảm việc nước đảm việc nhà

Trước hết để đảm việc nước, người phụ nữ phải được cơ quan tín nhiệm, được đồng nghiệp tin yêu. Nếu không được tin yêu thì đâu có vị trí để đảm nhiệm. Trong công việc, luôn phải cẩn thận, để cao trách nhiệm, nếu việc của mình càng ảnh hưởng đến nhiều người thì càng phải cẩn thận hơn.

Còn giỏi việc nhà thì tùy theo đánh giá của mỗi ông chồng. Dù thế nào thì một người vợ muốn thành công trong công việc đều cần sự chia sẻ của chồng. Hãy để chồng là hậu phương vững chắc của mình, đừng quá mải ra tiền tuyến mà quên mất hậu phương.

Nếu việc sếp giao cũng nhiều, việc nhà cũng lắm, chị em nên nói cho chồng biết mong muốn phấn đấu trong công việc của mình để chồng thông cảm và chia sẻ, làm bớt việc nhà. Thậm chí, nếu chồng có chuyên môn liên quan đến công việc, chị em có thể đem việc về nhà nhờ chồng giúp, có khi chỉ đơn giản là đánh máy. Thái độ biết ơn, lời nói nhỏ nhẹ, chị em dễ dàng tận dụng được sức lao động của ông xã.

Kim Anh

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]