Bí quyết giúp Vettel đánh bại bộ đôi Mercedes tại GP Malaysia

Mục đua xe F1 trên BBC lý giải về việc Ferrari giúp tay đua Vettel phá vỡ thế độc tôn của Mercedes kéo dài từ sau Grand Prix Bỉ năm ngoái.

15.5682

Nếu bây giờ nhắc đến một chặng đua mà ngôi nhất được quyết định bởi chiến thuật, chúng ta hãy nhớ đến GP Malaysia 2015. Trước mùa giải, tất cả đều dự đoán năm 2015 sẽ tiếp tục là mùa giải dành riêng cho hai tay đua của Mercedes, nhưng chiến thắng của Sebastian Vettel ngay tại chặng thứ hai của mùa giải đã làm cả làng F1 bất ngờ.

Tại Sepang, chiếc W06 của Mercedes rất chật vật dưới thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, liệu Lewis Hamilton đủ sức thắng hay không? Và Ferrari sử dụng chiến thuật gì để mang về chiến thắng đầu tiên sau gần hai năm chờ đợi. Chúng ta hãy cùng phân tích chặng đua vừa qua để đưa ra những nhận định xác đáng.

Chìa khóa ở khâu giữ lốp. Tại chặng đua mở màn mùa giải ở Melbourne (Australia), chiếc SF15-T của Ferrari bước đầu chứng tỏ tốc độ ấn tượng trong cuộc đua chính thức, đặc biệt là với chiếc xe của Kimi Raikkonen. Nhiều nhận định cho rằng chiếc xe của Ferrari gần như ngang ngửa với chiếc W06 của Mercedes trong điều kiện diễn ra Grand Prix Australia năm nay. Tuy vậy, tại Melbourne, chiếc SF15-T vẫn chưa lộ rõ khả năng giữ lốp tốt so với chiếc W06.

Khả năng giữ lốp và chiến thuật hợp lý giúp Vettel đánh bại bộ đôi Mercedes. Ảnh: Formula 1.

Tới Sepang, mọi chuyện đã rõ ràng hơn, xe của Ferrari giữ lốp tốt hơn hẳn so với Mercedes. Đây chính là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới chiến thắng cho Vettel và Ferrari. Buổi chạy thử thứ hai (FP2) của chặng đua diễn ra vào chiều thứ sáu 27/3 tỏ ra rất quan trọng, khi nhiều đội đua thử nghiệm lượt chạy mô phỏng vòng thi phân hạng. Sau đó, họ nạp đầy nhiên liệu cho xe và thử nghiệm cữ đua cự ly dài (long-run) để tính toán cho phần đầu của cuộc đua chiều Chủ nhật 29/3.

Trong bối cảnh đó, quá trình chuẩn bị của Mercedes có sự cố ngay tại thời điểm quan trọng, khi xe của Hamilton đã bị trục trặc kỹ thuật trong ngày thứ Sáu và mất rất nhiều thời gian để sửa. Nhóm hỗ trợ cho Nico Rosberg thì không dám cho tay đua người Đức thử sức nhiều nhằm giữ sức cho động cơ trong hoàn cảnh thời tiết nắng gắt ở Sepang. Điều này khiến Mercedes phải trả giá đắt ở cuộc đua chính thức, vì họ không có đủ dữ liệu cần thiết để tối ưu cho chiếc xe. Hiệu suất của chiếc W06 bị ảnh hưởng nhiều vì nguyên nhân này.

Các dữ liệu thu được tại FP2 đã cho thấy độ tiêu hao lốp trên chiếc SF15-T là ít hơn so với chiếc W06. Nó cũng cho thấy, lốp cứng chạy nhanh hơn, sau khi làm nóng được ba đến bốn vòng đua, xét đến việc thực hiện 56 vòng đua tại Sepang với chiến thuật ba pit. Điều này đã thuyết phục Mercedes rằng lốp cứng là loại lốp chủ đạo, phù hợp với điều kiện tại Malaysia và họ không cần phải chạy quá 10 vòng với lốp trung bình sau khi xuất phát, có nghĩa là Mercedes lựa chọn chiến thuật ba pit.

Nhận định trên khiến họ có một hành động khác thường tại vòng phân hạng. Mercedes để hai tay đua của họ dùng lốp trung bình ngay từ vòng phân hạng đầu tiên (Q1) dù họ có chiếc xe rất mạnh nhằm giữ các bộ lốp cứng cho cuộc đua chính thức. Hành động lộ liễu này bị Ferrari bắt bài, đội đua Italy hiểu rằng Mercedes sẽ sử dụng chiến thuật ba pit cho cuộc đua chính thức và lốp cứng sẽ là loại lốp chủ đạo mà Hamilton và Rosberg sử dụng vào chiều Chủ nhật. Từ đó, Ferrari đã chủ động lên kế hoạch chiến thuật để đánh vào điểm yếu của đối thủ.

Trở lại với diễn biến của FP2 vào chiều thứ Sáu, lượt chạy cự ly dài của Raikkonen đã giúp Ferrari thấy rằng chiếc SF-15T có thể chạy được tới 15 vòng đua đầu tiên với bộ lốp trung bình trước khi chuyển sang dùng lốp cứng. Khả năng giữ lốp tốt khiến Ferrari nhận thấy khả năng sử dụng chiến thuật hai pit, ít hơn một lần so với kế hoạch của Mercedes.

Mercedes tiên đoán trước rằng, vì chỉ xuất phát ở vị trí thứ 11 (không phải xuất phát với bộ lốp phân hạng cuối cùng), Raikkonen sẽ sử dụng chiến thuật hai pit khi xuất phát với bộ lốp trung bình hoàn toàn mới để tạo ra đột biến. Tuy nhiên,  đội đua nước Đức lại không nghĩ rằng Vettel cũng có thể thực hiện chiến thuật hai pit dù phải xuất phát với bộ lốp trung bình đã sử dụng.

Tất nhiên, ba vòng chạy sau xe an toàn ở giai đoạn đầu cuộc đua giúp ích cho cựu tay đua của Red Bull rất nhiều, nhưng thực tế cho thấy giai đoạn Vettel sử dụng bộ lốp thứ hai trong cuộc đua có ảnh hưởng lớn tới cuộc đua.

Dù có lợi thế xuất phát đầu nhưng Hamilton vẫn bị Vettel (xe đỏ, phía sau) vượt qua. Ảnh: Formula 1.

Chiến thuật đã quyết định kết cục cuộc đua. Trong cuộc đua, Hamilton đã sử dụng chiến thuật ba pit. Ngay cả với việc giúp sức của xe an toàn ở những vòng đầu tiên của cuộc đua, tay đua người Anh cũng không thể đủ sức chuyển chiến thuật ba pit thành hai pit hoặc là giành ngôi nhất với chiến thuật ba pit. Nếu nhìn vào biểu đồ dữ liệu khi các tay đua dùng bộ lốp thứ hai sẽ chứng minh điều này. Ngoài ra, ở bốn vòng đầu tiên, khi xe an toàn chưa xuất hiện chiếc W06 cũng đã không thể bứt khỏi sự đeo bám của chiếc SF15-T. Điều này càng cũng cố nhận định trên và cho thấy khả năng cạnh tranh của chiếc Ferrari.

Khi xe an toàn được triển khai ở vòng bốn, Vettel đã không về khu vực kỹ thuật để thay lốp dù Hamilton, Rosberg và 13 tay đua khác đã về pit lúc đó. Điều này đã càng giúp sức và thúc đẩy tham vọng của Ferrari. Khi Hamilton chuyển sang lốp cứng, chiếc SF15-T càng có thể sự hỗ trợ về tốc độ chênh lệch. Từ đây, Mercedes bắt đầu phải đối mặt với rắc rối lớn vì sự cạnh tranh của Ferrari.

Sau khi thay lốp lần hai, bộ lốp trung bình của Hamilton chỉ hoạt động hiệu quả có 12 vòng đua. Điều này đã cho thấy tay đua người Anh bắt đầu bị đe dọa về mặt chiến thuật như thế nào. Hamilton mất đi cơ hội để sớm vượt lên Vettel. Kế hoạch được đề ra trước cuộc đua của Mercedes là sử dụng bộ lốp trung bình trong 10 vòng sau khi xuất phát rồi chuyển sang dùng bộ lốp cứng mới. Họ cần phải hoàn thành 16 vòng với bộ lốp thứ hai và chỉ có lốp cứng mới có thể giúp Mercedes thực hiện kế hoạch này.

Việc xe an toàn xuất hiện sớm ngay từ vòng 4 đã khiến Hamilton chỉ có thể chạy từ 4-6 vòng với bộ lốp trung bình trước khi tay đua người Anh thay lốp lần đầu. Điều này là hoàn toàn vô nghĩa, khi nó trao lợi thế cho Vettel, người có thể kéo dài thêm thời gian sử dụng bộ lốp xuất phát do sự xuất hiện sớm của xe an toàn. Kế hoạch của Mercedes lập cho Hamilton đã được cố định với chiến thuật ba pit. Theo đó tay đua người Anh buộc phải vượt qua Vettel trên đường đua trước khi cuộc đua kết thúc. Tuy nhiên có hai yếu tố ngăn cản kế hoạch của Mercedes.

Đầu tiên là trên thực tế có quá nhiều xe về pit thay lốp cùng thời điểm vòng bốn  với Hamilton, điều này khiến anh mất rất nhiều thời gian để thoát khỏi đám đông. Thứ hai là sau khi thay lốp lần đầu, chiếc xe của Vettel với bộ lốp trung bình đã đạt được tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Trong khi đó, Hamilton có chủ đích từ sớm là dùng chiến thuật ba pit với lốp cứng là chủ đạo, nên đã sử dụng quá nhiều lốp trung bình khi phân hạng nên đã không còn bộ lốp trung bình mới. Điều này khiến Hamilton không có đủ sức mạnh để tạo ra tốc độ chênh so với Vettel nên bất lực khi đuổi bám.

Dù có chuyển sang nhiều chiến thuật khác nhau, Mercedes vẫn sẽ bị đánh bại. Ảnh: Formula 1.

Mercedes rập khuôn chiến thuật cho hai tay đua. Khi xe an toàn xuất hiện ở vòng bốn, một vài đội đã quyết định tách chiến thuật của hai tay đua thành khác biệt. Theo đó, một tay đua sẽ về pit thay lốp còn tay đua kia sẽ vẫn tiếp tục sử dụng bộ lốp cũ. Nếu bạn tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng này thì chỉ có các đội có tay đua nằm ngoài top 10 mới thực hiện chiến thuật này, vì nó gần như là một canh bạc.

Williams, Red Bull và Mercedes không theo đuổi chiến thuật này. Riêng Ferrari thì lại khác bởi vì Raikkonen đã về piit trước đó do bị thủng lốp. Chỉ có Force India và Toro Rosso là sử dụng chiến thuật trên. Tuy nhiên, Max Versteppen-người về pit thay lốp lại có kết quả tốt hơn so với Carlos Sainz Jnr, (người vẫn sử dụng bộ lốp cũ) do Sainz không thể kéo dài thời gian sử dụng bộ lốp cuối cùng để thực hiện chiến thuật hai pit nên bị tụt lại sau người đồng đội trẻ tuổi.

Ở nhóm ba tay đua xuất phát đấu, do Vettel bị kẹp giữa bộ đôi Mercedes nên cách duy nhất để đội đua nước Đức giành chiến thắng là tập trung hỗ trợ Rosberg và vẫn để anh thay lốp khi xe an toàn xuất hiện, còn Hamilton vẫn dùng lốp cũ và đóng vai trò kìm chân Vettel. Điều này sẽ làm tay đua người Anh rất dễ bị vỡ trận do chiến thuật ban đầu của Hamilton bị thay đổi hoàn toàn. Khi cuộc đua trở lại bình thường, anh sẽ phải vào pit sớm hơn Vettel rất nhiều.

Trên thực tế, Mercedes đã không thực hiện ý tưởng đó. Có lẽ đội đua nước Đức hiểu rằng với phong độ xuất sắc cho tới trước cuộc đua chiều Chủ nhật, Hamilton là người có nhiều cơ hội nhất để giành chiến thắng chứ không phải là Rosberg.

Từ các phân tích trên, chúng ta có thể thấy Mercedes có thể thực hiện nhiều chiến thuật khác nhau với mục đích tạo ra cơ hội tốt hơn để Hamilton hoặc Rosberg giành được chiến thắng tại GP Malaysia. Tuy nhiên, với hiệu suất thua kém nhiều so với đối thủ, Mercedes rõ ràng sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro nếu theo đuổi chiến thuật hai pit tương tự của Vettel. Nếu có thể, họ vẫn để Hamilton thay lốp ở vòng ba nhưng cần phải tiết kiệm bộ lốp trung bình mà Hamilton đã dùng ở Q1, để anh sử dụng trong cuộc đua chính thức nhằm đuổi kịp và vượt qua Vettel ở những vòng đua cuối cùng.

Minh Phương

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]