Bí quyết khiến con nghe lời mà không phải cần nói nhiều

Không ít ông bố bà mẹ than thở chuyện nói tới gãy lưỡi con mới chịu vào bàn học hoặc lên giường đi ngủ. Những lúc như thế, nuôi con quả là một cuộc chiến mệt mỏi.

15.5701

“Tôi không thể nhớ hết bao nhiêu lần trong ngày tôi phải quát tháo, phải lặp đi lặp lại một yêu cầu nào đó đối với các con tôi. Bọn trẻ bướng bỉnh tới nỗi tôi cứ phải hét lên thì may ra chúng mới lắng nghe. Có những lần tôi vừa lớn tiếng vừa phân tích thiệt hơn việc bọn trẻ cần làm, nhưng thậm chí ngay cả lúc đó, thường phải một lúc lâu các con tôi mới vâng lời”.

Đó là tâm sự của một bà mẹ trên diễn đàn khi bàn về việc la hét, quát mắng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ ra sao. Và tôi muốn dành câu hỏi này cho bà mẹ ấy, cũng như nhiều bà mẹ khác: Liệu con bạn có hiểu được việc bạn lặp đi lặp lại yêu cầu của mình là lời cảnh báo sẽ dẫn tới một kết cục nào đó hơn là những hướng dẫn để dừng làm gì đó hay bắt đầu một việc cần làm?

Mỗi cha mẹ, mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình đều khác biệt nhau. Điều đó có nghĩa là tôi không thể mô tả một tình huống chung áp dụng cho mọi gia đình, mọi đứa trẻ, mọi phụ huynh. Nhưng hãy cùng tìm hiểu câu chuyện này nhé:

Một đứa trẻ làm điều gì đó sai hoặc gây phiền toái, ông bố lập tức nói: “Dừng lại ngay!”. Sau đó, bố tiếp tục chúi mũi vào chiếc điện thoại di động. Đứa trẻ vẫn không dừng lại. Bà mẹ bước vào và cũng ra lệnh: “Dừng lại ngay bây giờ!”. Sau đó, bà mẹ tiếp tục trở vào bếp để chuẩn bị nốt bữa tối. Đứa trẻ thì vẫn không chịu dừng lại.

Ông bố bà mẹ ấy tiếp tục yêu cầu con mình không được thực hiện tiếp việc bé đang làm 2-3 lần nữa, không quên kèm theo một số lời “đe dọa”: “Mẹ đã nói rồi đấy”, “Bố không đùa đâu”. Kết quả là đứa trẻ cũng chẳng thèm bận tâm.

Chỉ khi một trong hai phụ huynh tỏ thái độ giận dữ và bắt đầu quát to: “Con có nghe lời không hả?”, bé mới có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn chưa dừng hẳn việc đang làm. Mọi việc chỉ kết thúc khi ông bố/bà mẹ trừng mắt lên và nói bằng giọng đanh thép: “Dừng lại ngay. Nếu không muốn ăn roi”.

Bạn thấy có quen không?

Tạo ra bước ngoặt

Mõi cha mẹ có một cách diễn tả khác nhau cho câu nói: “Bố/mẹ đang mất kiên nhẫn với con rồi đấy”. Đứa trẻ thì đã sống đủ lâu với bạn để quan sát hành vi của bạn theo cái cách mà có thể bạn cũng chẳng ngờ tới. Như tình huống trên, đứa trẻ đã nhiều lần trải qua và biết được rằng bố mẹ bé sẽ nhiều lần đưa ra yêu cầu “dừng lại”.

Chỉ tới khi mẹ bật lên câu nói: “Con có nghe lời mẹ không hả” kèm theo thái độ giận dữ trên gương mặt, đứa trẻ biết đã tới chuẩn bị tới ngưỡng chịu đựng của mẹ. Và cuối cùng, khi bật lên từ “roi” là điểm mà đứa trẻ biết nó chắc chắn phải dừng việc đang làm nếu không muốn bị đòn.

“Bước ngoặt” này trong các lần lặp đi lặp lại yêu cầu “dừng lại” của cha mẹ là thứ mà đứa trẻ chờ đợi để nghe thấy và làm mốc cho hành động của mình. Mỗi gia đình, “bước ngoặt” đó lại khác nhau.

Đó có thể là khi cha mẹ bắt đầu lớn tiếng hoặc khi mẹ bước vào phòng với ánh mắt trợn lên và thái độ cáu giận thể hiện rõ trên mặt. Đó cũng có thể là khi lời đe dọa “không được xem tivi, máy tính, bị đứng úp mặt vào tường, bị ăn roi”… được đưa ra. Bất kể “bước ngoặt” đó trong nhà bạn là gì, con bạn đã được “đào tạo” kỹ lưỡng, bởi chính bạn, để chờ đợi tới thời điểm bước ngoặt đó. Trẻ sẽ không vâng lời tới khi chạm vào “bước ngoặt”.

Trẻ con nhìn nhận các yêu cầu lặp đi lặp lại của cha mẹ không giống với cách người lớn. Bọn trẻ cho rằng đó chỉ là những nhận xét ngẫu nhiên, đơn lẻ trong một chuỗi các nhận xét của người lớn đưa ra cho mình. Phụ huynh, ngược lại, cho rằng việc nhắc đi nhắc lại yêu cầu với trẻ là sự tiếp nối của một suy nghĩ đơn lẻ.

Cha mẹ có thể làm gì?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quyết định sẽ hành động ngay lúc bắt đầu tình huống thay vì giữ nó tới tận phút cuối?

Bạn-nhất-thiết-không-nên-đợi.

Phần lớn phụ huynh không có xu hướng “ra tay” cho tới khi cảm thấy mất kiên nhẫn với con cái. Bạn muốn con mình vâng lời ngay từ yêu cầu đầu tiên nhưng chính bạn lại dạy con rằng chúng không cần phải vâng lời cho tới khi bạn “bốc hỏa”.

Cách để dạy một đứa trẻ lắng nghe ngay từ đầu là cho trẻ thấy, một cách kiên quyết, rằng bạn sẽ hành động ngay khi trẻ biểu hiện sự không vâng lời. Như vậy, nếu “bước ngoặt” trong nhà bạn là hình phạt trẻ đứng úp mặt vào tường, hãy thực hiện điều đó ngay từ yêu cầu đầu tiên, chứ không phải biện pháp cuối cùng sau một tràng những lời “dừng lại”. Nếu “bước ngoặt” là giọng nói đanh thép, nói từng từ một thì hãy đừng chần chừ mà thực hiện ngay điều đó.

Thay đổi thời điểm hành động của bạn sẽ tác động sâu sắc tới con bạn và đa phần sẽ giúp thay đổi mọi thứ ngay lập tức. Thái độ kiên quyết, giọng nói đanh thép của bạn sẽ trở nên nổi trội và gây ấn tượng mạnh với trẻ bởi nó không bị che lấp bởi những lời nói lặp đi lặp lại hay những câu la mắng. Cách này vừa giúp trẻ nghe lời nhanh hơn, lại cho phép bạn giữ được bình tĩnh.

Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại, bạn mới chính là người hiểu rõ con mình nhất. Không có thứ gì gọi là “phương pháp chung” áp dụng cho mọi gia đình, mọi đứa trẻ, mọi phụ huynh. Hãy thử điều này nếu bạn muốn và xem nó hiệu quả tới đâu. Sau đó, bạn có thể đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp.

Hải Linh (Sharon Silver)

Chia sẻ kiến thức me va be, những tam su của con tại đọc bao gia dinh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]