Bí quyết làm đẹp của những người phụ nữ trong cung đình Huế

(Trang điểm) - Nhiều cô gái trẻ vẫn hỏi bà lý do vì sao đã 91 tuổi mà da bà vẫn đẹp và không hề có một vết đồi mồi, bà cười bảo đó là bí quyết làm đẹp của tất cả những cung tần, mỹ nữ và những cung nữ phục vụ trong triều đình Nguyễn ngày xưa.

15.5473
(Phunutoday) - Nhiều cô gái trẻ vẫn hỏi bà lý do vì sao đã 91 tuổi mà da bà vẫn đẹp và không hề có một vết đồi mồi, bà cười bảo đó là bí quyết làm đẹp của tất cả những cung tần, mỹ nữ và những cung nữ phục vụ trong triều đình Nguyễn ngày xưa. Không quá cầu kì, không nhiều công đoạn, nhưng những viên phấn nụ là nguyên nhân giúp cho những Hoàng hậu, phi tần và những cung nữ trong hậu cung triều Nguyễn giữ được làn da mịn màng mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mơ ước…

Tôi năm nay đã 91 tuổi, là 1 trong 2 cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn còn sống cho đến ngày nay. Tôi cũng là người cung nữ phục vụ Từ Cung Thái hậu lâu nhất. Tính đến lúc Đức Từ Cung tạ thế, tôi đã có hơn 60 năm phục vụ ngài. Tôi tự hào là đến tuổi này, da tôi vẫn chưa có một vết đồi mồi.

Bây giờ ra đường tôi thấy các cô gái trẻ thường trang điểm rất kỹ càng nên rất xinh. Tuy phấn trang điểm bây giờ đẹp, có tác dụng giữ lớp trang điểm trên da lâu, nhưng đổi lại, nó rất độc và hại da. Nhiều phụ nữ bây giờ lạm dụng loại phấn này, nếu trang điểm thường xuyên rồi thì không dám bỏ lớp trang điểm ra nữa. Vì hễ bỏ lớp trang điểm đó ra, làn da của các cô gái đó đều nhợt nhạt, rất thiếu sức sống. Tôi muốn tiết lộ cho phụ nữ trẻ thời nay một bí quyết làm đẹp hết sức đơn giản, không tốn kém, nhưng hiệu quả của cung nữ trong triều đình Huế ngày xưa.

Loại phấn trang điểm mà phụ nữ trẻ bây giờ thường dùng, thế hệ chúng tôi ngày xưa thường gọi là phấn Tây. Đến thời tôi, phấn Tây đã theo các thuyền buôn nước ngoài bán vào Việt Nam.

Nhưng những người sống trong cung như chúng tôi rất sợ dùng loại phấn đó, vì ngay cả cái thời xã hội còn lạc hậu đó chúng tôi đã nhận ra phấn đó rất nhiều chì, càng dùng nhiều, da mặt càng bị bì ra, nhợt nhạt, lỗ chân lông trên mặt cũng to hơn. Những cung phi, Hoàng hậu từng dùng phấn Tây cũng thừa nhận như thế. Tất cả phụ nữ trong cung nhà Nguyễn chỉ dùng phấn nụ.

Tôi theo hầu Đức Từ Cung hơn 60 năm, là người trực tiếp trang điểm cho Đức Từ mỗi ngày, tôi thấy Đức Từ chỉ ưa dùng phấn nụ. Phấn nụ có nhược điểm là khi trang điểm sẽ không bám lâu được như phấn Tây, nên Đức Từ Cung thường dùng phấn Tây vào những dịp tiếp khách nước ngoài, nhưng những dịp đó rất hiếm hoi, còn thì ngày thường, bà trang điểm bằng phấn nụ và dưỡng da bằng phấn nụ.

 Ngày ngày, mỗi sáng khi Đức Từ dậy và sửa soạn đi đâu, bà đều ngồi để tôi kẻ mắt, tô son và điểm phấn cho bà. Tôi dùng viên phấn nụ lăn qua, lăn lại thật nhẹ trên gương mặt bà, tạo thành một lớp phấn trắng, mỏng và mịn màng.

Đức Từ không chỉ dùng phấn nụ vào ban ngày mà dùng cả vào ban đêm. Bà xoa phấn lên khắp cơ thể vì phấn có tác dụng dưỡng da rất mát. Buổi tối, các cung nữ trong cung Diên Thọ cũng có nhiệm vụ xoa phấn cho bà, giúp bà chăm sóc da.  Vì trung thành với phương pháp trang điểm, dưỡng da thế mà đến lúc qua đời vào năm 1980 – khi đã 90 tuổi, Đức  Từ vẫn có làn da trắng hồng từ mặt xuống đến gót chân.

Gương mặt bà không một vết nám, không một vết đồi mồi, đã qua đời mà da vẫn hồng hào như người đang say ngủ. Đức Từ là Hoàng Thái hậu của một nước, sống trong nhung lụa, không phải làm bất cứ việc gì nên có làn da đẹp, mà ngay cả những cung nữ bình thường như chúng tôi, những người phải làm nhiệm vụ hầu hạ rất vất vả trong cung, cũng có làn da đẹp như thế. Tất cả là nhờ tác dụng tuyệt vời của phấn nụ.

Sở dĩ gọi là phấn nụ là bởi viên phấn mà phụ nữ trong cung đình Huế dùng thường được làm thành hình nụ hoa. Xưa kia, chỉ trong cung đình Huế mới có phấn nụ. Việc làm phấn nụ cũng được làm trực tiếp trong cung, chứ không để bên ngoài làm. Trong cung có một bộ phận chuyên trách việc này, đảm nhiệm từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến việc làm ra từng viên phấn, đảm bảo đủ phấn cho các Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, các phi tần, cung nữ trong cung dùng vào việc trang điểm.

Ngày nay, phấn nụ được nhiều gia đình ở Huế sản xuất và bán ra ngoài thị trường, hình dạng viên phấn vẫn như xưa, nhưng có thêm nhiều sản phẩm, nhiều màu sắc hơn. Riêng tôi vẫn tự làm từng viên phấn để dùng. Cách làm phấn nụ tương đối đơn giản, giá thành rẻ. Để làm phấn nụ, tôi thường trực tiếp ra chợ chọn loại cao lanh tốt nhất là cao lanh có xuất xứ từ Trung Quốc. Loại cao lanh nguyên chất, không có tạp chất thường có màu hồng nhạt. Nói là loại cao lanh tốt nhất, nhưng giá thành so với các loại phấn Tây mà phụ nữ bây giờ vẫn dùng thì rẻ hơn rất nhiều, rẻ hơn cả những loại phấn Tây bình dân nhất, nhưng chất lượng thì không hề bình dân chút nào.

Sau khi mua được cao lanh về, tôi nướng chín cao lanh bằng than củi đang đỏ rực, cho đến khi cao lanh có một màu trắng như tuyết. Xong công đoạn nướng cao lanh, khi nó nguội, tôi nghiền ra thành bột mịn rồi hòa vào với nước mưa. Cứ 1 phần bột thì 5 phần nước.
Ngày xưa khi ở trong cung, chúng tôi cũng có thể dùng cả nước giếng sâu, vì nước giếng sâu trong cung rất lành và mát. Tôi rất cầu kỳ trong việc chọn nước mưa. Nước mưa phải là nước mưa được hứng giữa trời, chứ không phải thứ nước mưa hứng từ máng nước xuống. Để được một lượt phấn nụ thường phải mất 8 ngày trong việc pha chế.

 Sau khi hòa bột cao lanh với nước, cứ mỗi sáng, khi mặt trời chưa lên, chỗ nước cặn được gạn bỏ, phần bột còn lại tiếp tục được quấy nước rồi lọc qua hai, ba lớp vải sa nõn xếp vào nhau để loại bỏ đi phần cặn thô.

 Sau nhiều lần gạn đi gạn lại, bỏ hết phần cặn đục rồi dùng vải lọc, tôi có thứ bột tinh khiết, mịn như nhung và nhẹ tênh. Khi đã gạn ra được thứ bột cao lanh sạch nhất, nặn viên phấn thành hình nụ hoa, đem đi phơi ở những chỗ thoáng mát cho khô rồi đem ướp hương hoa nhài, hoa sen, hoa bưởi, tùy theo loại mùi hoa mà tôi ưa thích, nhờ đó viên phấn nụ sẽ có mùi thơm của các loài hoa này.

 Sau 10 ngày ướp hoa, phấn nụ đã có được mùi hương đặc trưng. Đó là lúc tôi có thể dùng. Tôi thường làm 1 – 2 lần là có đủ số phấn dùng cho cả năm.

Phấn nụ


Điều đặc biệt ở phấn nụ khác với phấn Tây là nếu như phấn Tây có rất nhiều chì, thì phấn nụ không hề có chì. Phụ nữ bây giờ dùng phấn Tây, tối về đều phải tẩy trang thật sạch, thoa đủ các loại kem dưỡng da mà vẫn không loại bỏ được hết độc tố do phấn tây mang lại. Còn phấn nụ thì ngược lại, dùng vào ban đêm là tốt nhất, vì có tác dụng dưỡng da. Phấn nụ đặc biệt tốt với những người phụ nữ có làn da dầu và lỗ chân lông to, bởi phấn nụ không làm bít lỗ chân lông.

Nó cũng có tác dụng phục hồi cho làn da bị tổn thương. Xưa kia ở trong cung đình Huế, từng có nhiều bà Phi lúc đầu mới biết phấn Tây, thấy đánh phấn Tây đẹp nên đã bỏ phấn nụ và dùng phấn Tây suốt một thời gian dài. Đến lúc thấy lỗ chân lông to ra, da ngày càng xám xịt, mặt nổi mụn, dung nhan nhợt nhạt, những bà Phi này mới quay lại dùng phấn nụ.

Chỉ sau một thời gian dùng phấn nụ, những lỗ chân lông to trên mặt các bà dần dần thu nhỏ lại, da dẻ lại mịn màng, trắng hồng, không nổi mụn, dung nhan lại trở nên tươi sáng. Đó là tác dụng thần kỳ của loại phấn hoàng cung này. Bài học nhãn tiền đó khiến cho các Hoàng hậu, vương phi, cung tần, mỹ nữ trong cung đình Huế càng trung thành với phấn nụ hơn bao giờ hết.

Dù năm nay đã 91 tuổi, không còn nhu cầu trang điểm, làm đẹp nữa, nhưng học Đức Từ Cung, ngày nào tôi cũng dùng phấn để xoa đều đặn lên mặt, lên da tay, da chân trước khi đi ngủ, nhờ đó làn da của tôi lúc nào cũng mát lành, sạch sẽ, chưa từng biết thế nào là nổi mụn.

Là người dùng phấn nụ suốt từ năm 16 tuổi cho đến bây giờ, khi đã là một bà lão 91 tuổi, tôi là người biết rất rõ tác dụng của phấn nụ, biết được nó rất lành cho làn da nhạy cảm của phụ nữ. Nhưng phụ nữ bây giờ thường chỉ chạy theo những loại mĩ phẩm đắt tiền mà quên đi cách làm đẹp đã được thẩm định qua nhiều đời phi tần, mỹ nữ trong cung vua phủ chúa của triều Nguyễn.

Đã có một số người nghe lời khuyên của tôi, thử dùng phấn nụ và đã thấy tác dụng kỳ diệu của nó. Nhưng nhiều người vẫn e ngại, lo sợ, chỉ vì 1 lý do: cách làm phấn nụ quá đơn giản, nguyên liệu rẻ, giá thành rẻ. Tôi tin họ chỉ cần kiên nhẫn dùng phấn nụ trong vòng 1 – 2 tháng, sẽ thấy rõ hiệu quả của loại phấn lưu truyền trong cung đình Huế này. Có những thứ rẻ nhưng rất tốt. Và phấn nụ chính là một trong những thứ đó: đẹp, đơn giản và hiệu quả.

(Ghi theo lời kể của bà Lê Thị Dinh – một trong 2 người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn).
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]