Giày da lộn

Giày da lộn bền đẹp, đem đến cảm giác êm ái cho đôi chân nhưng chúng lại là chất liệu dễ bám bẩn và khó làm sạch nhất. Nếu không cẩn thận bạn rất dễ làm bạc màu khiến bề mặt đôi giày trông loang lổ. Nếu đôi giày da lộn của bạn chỉ đơn giản là bám bụi nhỏ li ti và không có vết bẩn cứng đầu, bạn nên dùng bàn chải chuyên dụng hoặc bàn chải móng và nhẹ nhàng chải lên mặt giày theo một hướng để gạt bỏ bụi bẩn. Sử dụng tẩy chì chà nhẹ nhàng là cách làm lý tưởng để giải quyết những vết trầy xước và mảnh vụn bám trên đôi giày da lộn. 
 

Với những vết bẩn cứng đầu, hãy dùng một chiếc khăn mềm tẩm 1 ít giấm và thấm nhẹ lên vết bẩn chờ cho chúng bở ra. Sau đó, dùng khăn khô mềm hoặc bàn chải chải sạch vết bẩn. Nếu đôi giày da lộn của bạn dính vết bám như kẹo chewing gum, nhựa, bạn cần bỏ nó vào tủ làm lạnh giày vài tiếng. Những vết bẩn sẽ cứng lại và dễ dàng bị gỡ bỏ. Sau đó dùng bàn chải mềm chuyên dụng hoặc cục tẩy để loại bỏ những mảng bám còn dư thừa. 

Giày nhung
Gần giống với giày da lộn, giày nhung cũng đem đến cảm giác mềm mại, êm ái hơn cho đôi chân nhưng chúng cũng là chất liệu dễ bám bẩn và khó làm sạch. Bạn phải hết sức khéo léo khi xử lý những vết bẩn để không làm mất đi độ óng ánh và mềm mượt trên bề mặt của chất liệu nhung. Nếu giày nhung của bạn dính bụi nhỏ hoặc những sợi vải li ti bám vào, bàn có thể dùng băng dính và nhẹ nhàng dính nó ra. 
 

Nếu bạn muốn giặt giày nhung, tuyệt đối không bỏ nó vào máy giặt. Bạn cần giặt tay bằng và dùng bàn chải mềm, xà phòng có tính kiềm vừa phải, nếu giày bị ố bởi dầu mỡ thì bạn chuẩn bị thêm một chút xăng nguyên chất.

Tiếp đến bạn ngâm giày nhung vào nước lạnh, tẩy sạch bùn đất. Nếu vết bẩn đã lâu và khô thì bạn ngâm trong nước lạnh một lúc rồi dùng bàn chải mềm thấm xà phòng rồi chà nhẹ, đến khi vết bẩn sạch hẳn. Nếu bị dầu mỡ làm ố thì bạn cho xăng vào tảy rồi giũ lại với nước lạnh. Khi vết bẩn đã sạch bạn nhỏ vào chậu nước giặt 2-3 giọt dấm để nó trung hòa với bột giặt còn lưu trên giày, giày sẽ không còn mùi của xà phòng nữa.

Sau khi giặt sạch, không vặn bóp quá mạnh, mà chỉ ấn nhẹ. Đồng thời, không phơi trực tiếp dưới năng to, hay sấy khô mà nên phơi chỗ râm mát thông gió. Nếu giày có dấu hiệu bạc màu bạn có thể mang tới hiệu hấp, nhuộm lại để giày lại mới như cũ. 

Giày da bóng 

Việc xử lý các vết bẩn trên giày da bóng khá dễ dàng. Với những vết bẩn nhẹ, bạn có thể dùng khăn ẩm lau sạch sau đó lau lại bằng khăn mềm. Với vết bẩn cứng đâu hay lâu ngày, có thể sử dụng dầu khoáng, acetone hay kem đánh răng, nhưng nên thử một ít trên phần gần gót giày để đảm bảo nó không làm thay đổi màu sắc. 
 

Sau khi lau sạch, bạn nên đánh xi để lấy lại được màu sắc như mới cho những đôi giày da này. Khi đánh giày nên trộn vào chỗ xi vài giọt giấm ăn, da giày sẽ sáng bóng và không dễ bám bụi bẩn. Bạn có thể dùng tất chân cũ thấm vào xi để đánh giày thay cho bàn chải đánh xi. Điều này cũng giúp da giày sáng bóng và không trầy xước.

Đối với giày da trắng bị bẩn, trước tiên dùng giấm lau qua, sau đó dùng khăn vải khô lau sạch rồi mới đánh xi trắng. Như thế hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều so với việc đánh xi trực tiếp lên giày.

Giày vải cotton
 

Loại giày này dùng cotton là vật liệu chính và pha trộn với các loại sợi tự nhiên khác như linen để tạo vân và tăng độ bền. Bạn có thể lựa chọn cách giặt hay lau sạch giày cotton tùy thuộc vào kiểu dệt hay đan. Giặt trong nước có thể làm hư hoặc rút vải. Vì vậy bạn nên lau giày bằng vải ẩm hoặc một loại chất tẩy rửa chuyên dụng dành cho loại giày.

Giày ren/ lụa
 
Hai chất liệu giày này đều khá mỏng manh và cách làm sạch duy nhất là giặt. Khi giặt cần hết sức nhẹ nhàng và không dùng bàn chải vì chúng có thể làm rút sợi vải. Nên giặt nhẹ nhàng bằng tay với xà phòng có tính kiềm nhẹ. Không vắt giày mà cần vẩy cho khô ráo nước sau đó đem phơi. Để giữ phom dáng giày, khi phơi nên nhồi vào bên trong một ít giấy trắng. Lưu ý chỉ cho tới khi giày vừa đủ độ căng, không nhồi quá nhiều giấy khiến giày bị biến dạng hoặc rộng hơn kích thước ban đầu.
Theo Mask/Depplus