Cùng đi làm để san sẻ gánh nặng thu nhập với chồng
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tâm, ngụ quận 2, TP.HCM là một ví dụ. Chồng chị là nhân viên tín dụng một ngân hàng lớn nên thu nhập luôn ở mức khá và ổn định. Nhưng chỉ được vài năm, khi kinh tế khó khăn, ngân hàng cắt giảm nhân sự nên lương của chồng chị cũng tụt dốc. 
Từ chỗ chỉ ở nhà nội trợ, không đi làm và thích mua sắm, chị Tâm phải thay đổi cách chi tiêu bởi thu nhập từ đồng lương của chồng không còn đủ cho 4 người ăn nữa.
“Trước kia tôi tiêu tiền không cần phải đắn đo gì, đùng một cái lương chồng tôi bị cắt giảm hơn một nửa số lương cũ. Trong nhà lại có 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi chơi nên ngốn hết bao nhiêu tiền. Số lương của chồng tôi lại hụt trước, thiếu sau khiến cho 2 vợ chồng cãi nhau về chuyện tiền bạc. Chồng tôi chê tôi không biết giữ tiền, chỉ biết tiêu xài. 
Suy nghĩ kỹ thấy cũng đúng nên tôi quyết tâm lên kế hoạch chi tiêu lại từ đầu và kiếm việc làm để san bớt gánh nặng kinh tế cho chồng”, chị kể lại với PV Một Thế Giới.
"... một điểm mà chị em phải chú ý là phải tiết kiệm cả những đồng tiền lẻ. Tôi thấy các mẹ thường không thích xài tiền lẻ vì chúng nặng ví. Thế nhưng, con số nhỏ khi gộp lại có thể thành món tiền lớn đó”...
Với tấm bằng đại học chuyên về kế toán, chị Tâm cũng xin được một công việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Số tiền đó cộng với tiền lương 8 triệu đồng/tháng của chồng thì tổng thu nhập trong một tháng của gia đình chị được 13 triệu đồng. Chị Tâm phải lo cho 4 miệng ăn rồi tiền giữ trẻ cho con lại còn phụ giúp bố mẹ già. 
Thay vì mỗi tháng chi 4 triệu cho tiền ăn uống của gia đình thì nay chị cắt giảm chỉ còn hơn một nửa. Những bữa ăn tiệm hay tại nhà hàng được chị cắt giảm triệt để bởi chị cho rằng việc đi ăn ở nhà hàng sẽ tiêu tốn một khoản tiền lương khá lớn. 
Để tiết kiệm chi phí, chị tự chuẩn bị những bữa cơm tại nhà. Tuy phải vất vả nấu nướng, dọn dẹp nhưng chị cho biết rẻ hơn nhiều so với việc kéo nhau ra quán.
Chị cũng không còn vung tay quá trán vào những bộ đồ thời trang mà đã tiết chế lại.
“Tôi hạn chế các khoản phát sinh. Mặc dù có những khoản phát sinh không thể nào tránh như tiền thuốc men, tiền đám cưới, tiền thăm bệnh… nhưng không thể nào việc ngẫu hứng mua thêm một vài bộ đồ mới là phát sinh được.
Trong nhà, có những đồ vật nào vẫn đang dùng được thì cứ tiếp tục sử dụng, thay vì phải sắm cái mới. Những thứ chưa cần mua thì cũng không nên mua làm gì, nên tiết kiệm. Nếu thấy giá siêu thị đắt hơn thì hãy ra chợ để giảm chi phí", chị Tâm giải thích thêm.
Cuối tháng đầu tiên sau khi đi làm, chị đã lo đủ cho cuộc sống cho 4 người và tiết kiệm được một số tiền nhỏ. Dần dà, với việc chi tiêu có kế hoạch thì chỉ sau mấy năm, chị Tâm đã tiết kiệm được một số tiền lớn để sửa lại căn nhà chị đang ở trong sự ngạc nhiên và nể phục của chồng.

Tính toán kỹ trước khi đi chợ, chỉ đem đủ tiền
Tương tự, chị Ngọc Hoa, quận Gò Vấp cũng có một thời tiêu tiền thả ga và cuối tháng luôn lâm vào tình trạng viêm màng túi, nay cũng tự lập một kế hoạch quản lý tài chính gia đìnhmột cách linh hoạt, hợp lý hơn.
“Công việc của tôi cực kỳ bận rộn mà việc nấu ăn lại tiêu tốn khá nhiều thời gian nên mỗi tuần tôi dành 1-2 giờ nấu một bữa lớn, sau đó chia nhỏ, cất trong tủ lạnh rồi đun nóng lên khi cần. 
Tôi cũng tập cho 2 vợ chồng thói quen mang đồ ăn trưa đến văn phòng, vừa rẻ lại vừa hợp vệ sinh.
Trước khi đi chợ, tôi tính toán xem ăn gì và nên mua gì và chỉ đưa số tiền đi chợ bằng dự liệu. Như vậy, khi đi mua sẽ chỉ tập trung vào thứ cần mua thay vì chỉ tạt ngang tạt dọc lại lung lay ý chí tiết kiệm. 
Tôi cũng thường xuyên rình hàng giảm giá hay hàng khuyến mãi để mua được giá rẻ nhất”, chị Hoa chia sẻ.
Chi tiêu tháng sau không được cao hơn tháng trước
Chị Ánh, thủ quỹ của một công ty may tại Bình Dương thì lập hẳn một quyển sổ dày để ghi lại những chi tiêu trong tháng như tiền ăn, chi phí đi lại, tiền điện nước, quần áo… 
Ở danh mục nào chị cũng cố gắng tiết giảm tối đa chi phí để cốt làm sao chi tiêu trong tháng này phải thấp hơn tháng trước, hoặc ít nhất là không vượt.
“Tôi chịu khó đi mua thức ăn tại các chợ đầu mối hoặc đi nhiều nơi khác nhau bởi chợ này thì thịt rẻ, chợ kia thì rau rẻ... Như thế, tôi cũng tiết kiệm được một khoản kha khá rồi. Với các thiết bị trong nhà thì tôi chọn mua các thiết bị tiết kiệm nhiên liệu.
Ngoài ra, theo tôi, một điểm mà chị em phải chú ý là phải tiết kiệm cả những đồng tiền lẻ. Tôi thấy các mẹ thường không thích xài tiền lẻ vì chúng nặng ví. Thế nhưng, con số nhỏ khi gộp lại có thể thành món tiền lớn đó”, chị chia sẻ với PV Một Thế Giới.
Phan Diệu
* Hy vọng những câu chuyện quản lý tài chính gia đình mà Một Thế Giới tìm hiểu được trên đây sẽ giúp bạn đọc tìm ra giải pháp phù hợp với gia đình mình.