Bí quyết sống lâu diệu kỳ của người dân Hong Kong

15.6018
Bao phủ trong khói bụi và những khu căn hộ chật chội, Hong Kong thường không được liên tưởng đến một phong cách sống lành mạnh. Tuy nhiên những số liệu mới cho thấy người Hong Kong nằm trong số những người sống lâu nhất trên thế giới.

Theo chính quyền tại Tokyo và Hong Kong, đàn ông Hong Kong đã giữ danh hiệu này trong hơn một thập kỷ và gần đây các số liệu cho thấy phụ nữ ở thành phố phía Nam Trung Quốc này cũng đã lần đầu tiên vượt qua phụ nữ Nhật Bản.

Số liệu điều tra dân số tiết lộ tuổi thọ của phụ nữ Hong Kong đã tăng trung bình từ 86 tuổi năm 2010 lên 86,7 tuổi năm 2011, trong khi tuổi thọ của phụ nữ Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần năm trước, khiến họ giảm xuống còn 85,9 tuổi.

Vậy bí mật sống lâu của người dân Hong Kong là gì?

Các chuyên gia nói rằng không có thuốc trường sinh, nhưng yếu tố khác như dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, luôn luôn bận rộn, ẩm thực Quảng Đông truyền thống và thậm chí cả trò chơi mạt chược lâu đời của Trung Quốc đã góp phần giúp người Hong Kong sống lâu hơn.

Uống trà và Thái Cực quyền

"Tôi thích đi du lịch, tôi muốn được ngắm nhìn những điều mới mẻ và gặp những người bạn của mình để uống 'yum cha' mỗi ngày," Mak Yin, một người bà 80 tuổi cho biết, khi bà thực hiện những động tác chậm rãi của Thái cực quyền trong một công viên vào buổi sáng Chủ nhật.


Người Hong Kong rèn sức khỏe bằng Thái Cực quyền (Nguồn: AFP)

"Yum cha" là một thuật ngữ tiếng Quảng Đông để mô tả một thức uống truyền thống kèm với những đồ ăn cỡ nhỏ nổi tiếng được gọi là dim sum. Món trà này miễn phí và được phục vụ liên tục, cung cấp một liều lượng lành mạnh những chất chống oxy hóa trong bữa ăn.

"Bạn tôi đang ở tuổi 60 - họ nghĩ rằng tôi cũng ở lứa tuổi đó, mặc dù tôi già hơn họ rất nhiều," Mak cười.

Món ăn ưa thích của Mak là rau hấp, cơm và trái cây. Thực phẩm Quảng Đông rất nổi tiếng với món cá và rau củ hấp - những món ăn sử dụng ít hoặc không dùng dầu ăn, thứ được cho là gây ra bệnh tim, béo phì và cholesterol cao.

Nhưng trước khi Mak thưởng thức trà buổi chiều, bà tham gia vào cùng một nhóm người cao tuổi tập các bài thái cực quyền, một bài tập cổ truyền của Trung Quốc được cho là có lợi cho sự cân bằng và giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.

Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New Zealand vào tháng Hai cho thấy Thái cực quyền giúp giảm việc té ngã và "giảm sự mất cân bằng" đối với những người bị bệnh Parkinson ở mức nhẹ đến trung bình.

Giải trí bằng... mạt chược

Một yếu tố khác phía sau tuổi thọ của người Hong Kong, các chuyên gia cho biết, là công việc. Trong khi những người khác chờ đợi ngày họ có thể về hưu, thì rất nhiều người Hong Kong lại làm việc cho đến khi họ 70, thậm chí 80 tuổi.

Hong Kong không có tuổi hưu theo quy định và người ta thường thấy những người cao tuổi làm việc trong các cửa hàng, chợ và nhà hàng cùng với đội ngũ nhân viên trẻ hơn.

"Rất nhiều người già trong thành phố của chúng tôi vẫn còn đang làm việc, khiến cho tâm lý và tinh thần họ tốt hơn," chủ tịch Hiệp hội lão khoa Hong Kong, Edward Leung, cho biết.

"Với những người già, rất nhiều người trong số họ bị căng thẳng bởi họ không có gì để làm dẫn đến 'hội chứng trống rỗng.' Điều này gây ra căng thẳng."

Lee Woo-hing, một người bán cá 65 tuổi, nói rằng ông ấy không thể chịu được việc ngồi nhà và không làm gì cả. Ông muốn được sống như tỷ phú Li Ka-shing, người giàu nhất châu Á, người vẫn điều hành đế chế kinh doanh của mình ở tuổi 80.

"Nếu Li Ka-shing vẫn tiếp tục làm việc ở tuổi 84, thì tại sao tôi lại nghỉ hưu?" người cha của bốn người con nói, trong khi thời gian nghỉ ngơi trong ca làm 14 giờ của mi nhf tại một siêu thị nhộn nhịp ở trung tâm Hong Kong.


Nhiều người già ở Hong Kong vẫn hoạt động rất tích cực (Nguồn: AFP)

"Nếu như tôi chỉ ngồi ở nhà và nhìn chằm chằm vào tường, tôi sợ rằng bộ não của mình sẽ thoái hóa nhanh hơn. Tôi hạnh phúc được trò chuyện với những người khác nhau trong siêu thị."

Điều kiện sống chật chội tại Hong Kong luôn được cho là không tốt cho sức khỏe, khiến bệnh dịch và virus bùng phát, bao gồm cả virus cúm gia cầm và hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) giết chết hàng chục người.

Những đặc điểm về thành phố này khiến nó đóng một vai trò không rõ ràng trong bộ phim "Contagion" năm 2011 của đạo diễn Steven Soderbergh, về một loại virus chết người lây lan từ Hong Kong đến Mỹ.

Tuy nhiên, cùng với thói quen hàng ngày của mỗi người, các chuyên gia nói rằng Hong Kong là một nơi tuyệt vời khi con người già đi.

Cách thức phổ biến để khiến bạn bận rộn và gặp bạn bè chính là mạt chược - một trò chơi trí óc bị nhiều nơi coi là trò cờ bạc, nhưng lại giúp kìm hãm chứng mất trí nhớ, theo chuyên gia lão hóa Alfred Chan, đại học Lingnan của Hong Kong.

"Nó kích thích các bộ phận điều khiển bộ nhớ và khả năng nhận thức. Nó giúp người già giữ lại trí nhớ," ông nói.

Các quy tắc tính điểm phức tạp khiến mạt chược, còn được gọi là phiên bản Trung Quốc của trò domino, đòi hỏi phải suy nghĩ. Tuy nhiên các khía cạnh xã hội của trò chơi bốn người này cũng rất quan trọng.

"Trong trò chơi mạt chược, bạn cần phải chơi cùng ba người khác. Đó là một hoạt động xã hội rất tốt, bạn có thể tương tác với nhau thường xuyên," Chan, người nghiên cứu về các tác động của trờ chơi đối với người cao tuổi, cho biết.


Người Hong Kong thường giải trí bằng trò mạt chược (Nguồn: AFP)

"Nó cũng là một trò chơi khiến người ta tự cảm thấy thỏa mãn - bởi dù bạn có chơi bằng tiền hay không - nó vẫn cho bạn cảm giác về quyền lực."

Các phòng chơi mạt chược rất phổ biến ở Hong Kong, và bàn mạt chược thường có mặt trong một bữa tiệc cưới của Trung Quốc.

"Tôi đang về hưu một nửa. Tôi làm việc vào buổi sáng và đi chơi với bạn bè bằng cách chơi  mạt chược vào buổi tối," người thợ may 67 tuổi Yeung Fook nói, khi ngồi bên bàn chơi trong cửa hiệu may mặc của mình.
"Tôi hạnh phúc hơn khi làm việc. Thật buồn khi chỉ ngồi nhà"./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]