Bí quyết thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản

Theo ông Shinji Fukukawa - Chủ tịch Quỹ Công nghiệp và Cơ khí TEPIA, Nhật Bản, năm 2005, Nhật Bản có 4,33 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 99,7% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 71% lượng công nhân và cung cấp 51% tổng khối lượng hàng hóa.

0

Dù là một đất nước có nền công nghiệp rất phát triển, nhưng hiện tại, DNNVV vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản. Kinh nghiệm thích ứng với môi trường toàn cầu hóa của họ rất đáng để các DNNVV của Việt Nam nói chung và CLB Doanh nhân Sài Gòn nói riêng tham khảo...

Cũng theo ông Shinji Fukukawa, trong lịch sử phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, chính sách về DNNVV luôn là một phần quan trọng trong chính sách công nghiệp. Và để chính sách ấy hỗ trợ một cách thiết thực nhất cho sự phát triển của các DNNVV, Nhật Bản đã tập trung vào 5 yếu tố: Nhận thức đúng đắn về DNNVV, xây dựng chính sách về DNNVV phù hợp với thực tế, tôn trọng các quy luật kinh doanh và thị trường, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế.

Có thể tóm gọn bí quyết thành công của các DNNVV Nhật Bản trong quá trình toàn cầu hóa bằng 4 nguyên tắc cơ bản: quản lý, chất lượng, thời gian giao hàng, nỗ lực cạnh tranh. Tại Nhật Bản, mối quan hệ giữa các nhà sản xuất - lắp ráp lớn (JAM) với các DNNVV là vô cùng khăng khít.

JAM là những đơn vị chủ chốt trong những ngành công nghiệp chính tại Nhật Bản, như máy tự động, điện và điện tử, ô tô..., còn những đơn vị sản xuất linh kiện (công nghiệp phụ trợ) thường là những DNNVV. Khách hàng chủ yếu là các JAM và chính vì vậy mà các DNNVV luôn bị ảnh hưởng bới các nhà sản xuất - lắp ráp lớn này- lực lượng luôn nỗ lực chiến thắng trong cạnh tranh toàn cầu.

JAM yêu cầu DNNVV liên tục giảm chi phí, giao hàng đúng hạn và nâng cao chất lượng. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này, DNNVV sẽ mất khách hàng lớn. Và sự tôn trọng nguyên lý cạnh tranh toàn cầu này chính là chìa khóa cho thành công của DNNVV Nhật Bản.

Thông qua việc mua hàng từ các DNNVV, JAM đã tìm ra những điều kiện cơ bản để lựa chọn đối tác làm nhà cung ứng. Và điều kiện cơ bản để chọn lựa các DNNVV làm đối tác chính là 5 S: phân loại (SEIRI), sắp xếp có hệ thống (SEITON), sạch sẽ (SEISOU), tiêu chuẩn hóa (SEIKETU), liên tục duy trì (SITUKE).

Thực ra, 5S không quá khó để thực hiện so với QCD (chất lượng, chi phí và thời gian giao hàng). Để thực hiện 5S, chỉ cần nhà quản lý có quyết tâm cao trong việc cải tổ và phát triển nhà máy. Cụ thể, để liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, JAM đã luôn đồng hành và hỗ trợ các DNNVV Nhật Bản trong việc sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao.

Đây được gọi là quá trình sản xuất toàn diện và sự đòi hỏi khắt khe của JAM về vấn đề cải tiến kỹ thuật đã giúp cho các DNNVV nâng cao năng lực về công nghệ. Về thời gian giao hàng, một chính sách bất biến của JAM là dây chuyền sản xuất không được ngừng trong bất kỳ tình huống nào.

Tiêu chí giao hàng đúng hẹn thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản luôn nâng cao năng lực kỹ thuật

Chính vì vậy, DNNVV Nhật Bản luôn phải dự phòng tất cả những tình huống có thể xảy ra (bao gồm cả những yếu tố bất khả kháng) để có thể cung cấp linh kiện đúng hẹn cho JAM. Và tiêu chí giao hàng đúng hạn - điều kiện quan trọng nhất khi làm việc với JAM đã giúp các DNNVV Nhật Bản nâng cao nhận thức trong quản lý.

JAM cũng luôn yêu cầu DNNVV giảm chi phí và điều này đòi hỏi các doanh nghiệp này phải không ngừng cải tiến phương thức sản xuất. Việc tích lũy bí quyết sản xuất từ những thất bại bằng sự phân tích cặn kẽ nguyên nhân đã giúp cho DNNVV Nhật Bản nâng cao năng lực về kỹ thuật.

Ngoài những bí quyết nêu trên, sự thành công của các DNNVV Nhật Bản trong quá trình toàn cầu hóa còn phụ thuộc vào tinh thần đoàn kết giữa lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, người lãnh đạo phải có cách truyền thông hiệu quả để người lao động nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của 5S và QCD để cùng làm việc vì mục tiêu đạt được những tiêu chuẩn này.

Việc cải tiến và sáng tạo kỹ thuật thường xuất phát từ thực tế sản xuất. Các nhà lãnh đạo DNNVV Nhật Bản thấu hiểu điều này và chính vì vậy mà họ luôn xem công nhân làm việc trực tiếp trong dây chuyền sản xuất là nguồn lực nội tại chính để phát triển doanh nghiệp.

QUẾ DƯƠNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]