Bí quyết trị da nứt nẻ mùa hanh khô

15.6013

Chỉ mới chớm đông, nhưng thời tiết lạnh và khô đã khiến mặt chị Linh (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị mẩn đỏ, ngứa, nhiều chỗ dầy lên. Hai bàn tay cũng khô, nhăn nheo, nứt nẻ như tay người già, thậm chí có chỗ chảy máu, đau rát.

Mùa đông, chị em nên đắp mắt nạ hoa quả thường xuyên để bổ sung nước cho da. Ảnh: P.H.

Mới đầu thấy mặt có biểu hiện ngứa, chị Linh nghĩ là không sao có thể do chị đi dưới trời nắng. Thế nhưng càng gãi, chị lại càng thấy ngứa, da mẩn đỏ cả lên, chỗ da sẩn ngứa lan rộng ra cả mặt. Rửa mặt sạch, đắp mặt nạ, bôi kem dưỡng ẩm đến một tuần chị mới thấy mặt đỡ đỏ thì lại đến tay.

"Bôi kem dưỡng ẩm mãi vào hai bàn tay mà vẫn không ăn thua. Mười đầu ngón tay bị nứt, chảy máu, đau rát khiến mình không thể làm được gì, giặt quần áo, thậm chỉ rửa mặt cũng phải rất nhẹ nhàng, vì chỉ không cẩn thận là nó lại chảy máu", chị Linh buồn bã nói.

Cuối cùng, không chịu được nữa chị mới quyết định đi khám. Theo bác sĩ, da chị thuộc loại da dầu nên mùa hè thì lúc nào cũng bóng nhẫy nhưng đến mùa đông thì trong khi người khác chưa bị sao thì da chị đã bị khô.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, phụ trách Trung tâm điều trị da liễu thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, bên cạnh đó cộng với thói quen chăm sóc da không đúng cách như tắm nước quá nóng, tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa mà không đeo găng tay khiến da chị bị "hạn hán", nứt nẻ.

Cũng theo tiến sĩ Lượng, cứ vào đông số lượng bệnh nhân đến khám vì da khô tăng lên đáng kể. Biểu hiện của bệnh chỉ đơn giản là khô, ngứa, nứt nẻ... nhưng nếu không điều trị ngay sẽ khiến chỗ da khô bị rách, chảy máu.

"Thời tiết lạnh, hanh khô, nhiệt độ, độ ẩm xuống thấp, đặc biệt làm việc trong môi trường điều hòa khiến làn da dễ bị mất nước, dẫn tới khô và nứt nẻ. Nhiều người da khô nhưng chăm sóc da không đúng cách khiến bệnh càng nặng hơn, da nổi mụn đỏ mẩn ngứa, nếu gãi có thể xây xát, nhiễm trùng", tiến sĩ Lượng cho biết.

Theo bác sĩ, với những người hay bị khô da về mùa đông thì việc giữ ẩm cho da là điều tối quan trọng. Đồng thời tuyệt đối không được gãi khiến vùng da bị mẩn ngứa lan rộng.

Mỗi vùng da trên cơ thể đều có cách chăm sóc khác nhau. Nếu bàn chân bị nứt gót thì nên ngâm chân bằng nước ấm pha muối loãng, sau đó bôi kem dưỡng ẩm mỗi ngày. Với người hay bị nẻ môi thì nên sử dụng sản phẩm dưỡng môi tự nhiên hoặc bôi một lớp son chống nẻ. Tuy nhiên, tuyệt đối không được liếm môi vì nước bọt càng làm môi nứt.

Đối với da mặt, người bệnh nên hạn chế lột da mặt, thay vào đó rửa mặt thật sạch, chăm đắp các loại mặt nạ như: đu đủ, dưa chuột, cà chua, cà rốt...sẽ rất tốt cho da. Đồng thời, massage da mặt thường xuyên để giúp máu lưu thông và sử dụng các sản phẩm có độ ẩm cao.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý không nên tắm nước quá nóng vì da càng mất nước, chỉ nên để pha nước tắm bằng với nhiệt độ của cơ thể. Khi đi ra ngoài đường, cần đeo khẩu trang, găng tay, tất, nhất là khi có nắng hanh để tránh làm da bị mất nước. Không tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, xà phòng. Đảm bảo uống ít nhất hai lít nước một ngày, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả và tập thể dục đều đặn, tiến sĩ Lượng cho biết.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh nên lựa chọn thật kỹ kem dưỡng da, đặc biệt khi bôi lên mặt. Khi dùng thử một loại sản phẩm dưỡng da nào đó, đặc biệt là bôi lên mặt cần xem rõ xuất xứ, hạn sử dụng và bôi thử lên cổ tay trước nếu thấy không bị dị ứng mới bôi lên da mặt.

Nếu da vẫn bị khô, bóc tróc từng mảng thì người bệnh nên đi khám tại các chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Hải Phong

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]