Biếng ăn ở trẻ: Triệu chứng và hậu quả lâu dài

“Biếng ăn” và những tác hại của chứng này nghiêm trọng tới mức nào? Dưới đây là dấu hiệu của chứng biếng ăn ở trẻ.

15.5958
Ảnh minh họa
Các dấu hiệu nhận biết thường gặp

“Chứng biếng ăn” là thuật ngữ chỉ hiện tượng bé không ăn, ăn không đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Theo các nghiên cứu gần đây, biếng ăn có nhiều triệu chứng biểu hiện khác nhau, dễ nhận thấy nhất là 5 biểu hiện như sau:

- Bé ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, bữa ăn thường kéo dài khoảng hơn 30 phút.

- Số bữa ăn hoặc lượng thức ăn của bé ăn được trong mỗi bữa ít hơn so với các bé cùng độ tuổi.

- Trong bữa cơm bé không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn và tâm trạng không thoải mái.

- Bé thường có biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn như chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy tiếng lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn thì có phản ứng buồn nôn hoặc khóc la bướng bỉnh.

- Bé không tăng cân trong nhiều tháng liên tiếp.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng biếng ăn ở bé. Đôi khi chỉ là do khí hậu thay đổi tác động đến tình trạng sức khỏe làm bé biếng ăn hơn mọi ngày.
 
Nếu bé đang mắc các bệnh như viêm đường hô hấp hay tiêu chảy... thì cũng rất dễ dẫn đến hiện tượng biếng ăn ngắn hạn. Cũng có khi do mẹ cho bé ăn thức ăn không hợp khẩu vị, thành phần thức ăn cho bé không đầy đủ dưỡng chất, cho ăn không đúng cách như dọa nạt, ép trẻ ăn quá nhiều hay thờ ơ, ít quan tâm đến bữa ăn của trẻ cũng rất dễ khiến bỏ bữa ăn hằng ngày.
 
Nếu tình trạng bỏ bữa này có thể kéo dài, chứng biếng ăn sẽ trở nên nghiêm trọng kéo dài.
 
Hậu quả lâu dài

Ảnh minh họa
 
Hệ quả dễ dàng nhìn thấy nhất đó là vấn đề suy dinh dưỡng do chứng biếng ăn mang lại. Suy sinh dưỡng ở đây thể hiện hai cấp độ; trẻ không đáp ứng các chỉ số tăng trưởng, thể trạng còi cọc, thấp bé so với các trẻ khác đồng trang lứa, không tăng cân.
 
Biếng ăn cũng dẫn đến tình trạng mất cân đối các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nếu thiếu vi chất dinh dưỡng, trẻ có thể bị chậm phát triển, bệnh tật như da thô ráp, hay bị cảm lạnh, mắt khô, tóc khô và dễ gãy, da bị ngứa. Nhẹ hơn chậm phát triển, rối loạn tăng trưởng, dễ mắc các bệnh mãn tính do thiếu khả năng miễn dịch.

Hậu quả lâu dài của biếng ăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy trí tuệ của trẻ, trẻ biếng ăn thường không đủ dinh dưỡng và thiếu cân bằng dưỡng chất trong cơ thể, điều đó khiến cho trẻ hay mệt mỏi, cơ thể không đủ lực cho trí óc tập trung và tư duy, vì vậy thường lơ là chuyện học tập và thành tích học tập xấu hơn những trẻ khỏe mạnh.
 
Khoa học cũng đã có những chứng minh lâm sàng, rằng chỉ số phát triển trí tuệ MDI (Mental Developmental Index) của những trẻ biếng ăn chỉ được 96 điểm, tức thấp hơn 14 điểm so với 110 điểm của những bé ăn uống tốt.

Một hậu quả khác nữa là biếng ăn ảnh hưởng đến tâm sinh lý và tính cách của trẻ, những trẻ biếng ăn không có đủ dinh dưỡng thường không thích vận động do mệt mỏi, bé thường ủ rũ và không thiết chơi đùa.
 
Điều đó dẫn đến việc hình thành sự chậm chạp và tính cách lập dị so với bạn bè và môi trường xung quanh. Tình trạng này lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng trầm cảm hay tự kỷ ở trẻ nhỏ.

Vì vậy, khi quan sát thấy những dấu hiệu biếng ăn đầu tiên, cha mẹ nên ngay lập tức kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng, lượng thức ăn đang cung cấp cho bé hằng ngày. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận với trẻ trong suốt bữa ăn, nên gần gũi với con để phát hiện đâu là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng chán ăn bỏ bữa của trẻ.
 
Hạn chế tối đa việc để bé biếng ăn lâu ngày và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho thể chất và trí lực về sau. Và cuối cùng quan trọng nhất vẫn là việc ngăn chặn và trị dứt được chứng biếng ăn hay không là do sự quan tâm và nhẫn nại của cha mẹ.
 
Theo Thanh Hà - Thanh Niên
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]