Biết chấp nhận người khác để sống tốt hơn

Do yêu cầu môn học, Lan, Ngọc và Hằng được phân công làm chung một đề tài. Lan là người kỹ tính và cầu toàn nên khi phải làm chung với Ngọc và Hằng thì cảm thấy không được thoải mái, bởi hai người kia thông minh nhưng làm việc khá tùy hứng

15.5309
Làm được 1/2 khối lượng công việc thì nhóm bắt đầu nảy sinh xung đột. Lan không chịu được cách làm việc của hai bạn nên thường tỏ vẻ khó chịu, đề ra những nguyên tắc rất khắt khe để bắt họ phải nghe và làm theo mình. Được 2/3 thời gian thì mâu thuẫn trở nên không thể cứu vãn và kết quả là nhóm chia đôi, xin đổi đề tài và vắt chân lên cổ chạy để hoàn thành đề tài mới với 1/3 thời gian còn lại. Dĩ nhiên, dù cố gắng hết sức thì kết quả của họ không được đánh giá cao, chỉ đạt mức trung bình bởi thời gian quá hạn hẹp. Trong cuộc sống cũng như công việc, chúng ta không thể tránh khỏi việc phải hợp tác với người khác, đôi khi người đó có tính cách, thói quen không hề giống mình. Thế nên, việc chấp nhận họ tồn tại bên cạnh mình là việc khó khăn, đặc biệt là khi có những xung đột xảy ra. Nhưng nếu ta cương quyết đối đầu, đẩy cao xung đột để buộc họ phải thay đổi sao cho giống mình thì mọi việc sẽ tan tành, không thể nào cứu vãn nổi. Không thể chấp nhận người giỏi hơn mình, thông minh hơn mình làm việc chung là bởi ta sợ bản thân mình bị mờ nhạt, bị “cho ra rìa” nên nảy sinh tính đố kỵ và quyết liệt đối kháng với họ. Minh con nhà khá giả, sinh ra và lớn lên ở thành phố nên có đủ điều kiện để trở thành một sinh viên khá. Vì được bạn bè trong lớp (hầu hết là ở tỉnh) nhìn bằng con mắt nể trọng nên Minh sinh ra tính tự mãn, tự cho rằng những điều mình nói ra luôn là “chân lý”. Trong một lần tranh luận trước lớp, Minh gặp phải đối thủ là Tuấn, một sinh viên từ tỉnh lên nhưng có nhiều ý kiến sắc bén, phản bác lại những lập luận của Minh. Hai người tranh cãi nảy lửa, không phân thắng bại. Đến khi đuối lý, Minh cay cú phán một câu “Bạn kém lắm, mình nói đúng vậy mà bạn... không đủ khả năng để hiểu”. Từ đó trở đi, Minh thề “không đội trời chung” với Tuấn, bởi “thằng đó ngu, không thể đào tạo được nữa rồi”. Trường hợp này, sự không chấp nhận người khác là do suy nghĩ “duy chỉ có mình mới đúng, ai khác với mình, người đó sai!”. Đó là suy nghĩ của kẻ “ếch ngồi đáy giếng”, tưởng rằng bầu trời chỉ tròn như cái miệng giếng, nằm gọn trong tầm mắt ta nên không tin vào một ai khác. Trường hợp khác, có người lại luôn coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, mọi người phải lệ thuộc vào mình, còn mình thì độc lập, không theo ai hết. Hoặc có những người lại luôn nhìn thấy nhược điểm, khuyết điểm của người khác để chê bai, dè bỉu, không chấp nhận những điểm thiếu sót của người khác trong khi chính mình cũng có những điểm chưa hoàn thiện. Và kết quả là mọi người đều xa lánh, không ai dám lại gần kẻ lúc nào cũng soi mói điểm xấu của người khác, “chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người” như thế. Trong cuộc sống, mỗi người đều có tính cách riêng, không ai giống ai. Tìm một người hoàn toàn giống mình, luôn suy nghĩ và làm việc hoàn toàn theo ý mình là điều không thể có được. Giả sử có một người như vậy thì rồi ta cũng sẽ cảm thấy nhàm chán vì cuối cùng sẽ nhận ra đó chỉ là một bản sao cực kỳ máy móc, không có gì hay ho để ta khám phá và thưởng thức. Thế nên, điều cần làm để cho cuộc sống của mình thoải mái là không ghét bỏ, nói xấu hay quyết liệt phản đối mà nên tôn trọng và thừa nhận người khác với tất cả ưu, nhược điểm của họ. Điều đó nghĩa là ta tìm cách thuyết phục chính bản thân thừa nhận những người xung quanh như họ-đang-là, chứ không chờ đợi họ - phải - là.

Nói thì đơn giản nhưng quả là khi bắt tay vào thực hiện rất khó. Vậy làm sao để có thể chấp nhận được người khác? Trước hết, phải biết lắng nghe để có thể thấu cảm được những điều người khác nói và cả những điều họ không thể nói ra. Khi đó, ta có thể nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi con người, đánh giá đúng bề sâu nhân cách của họ. Một điều quan trọng nữa là hãy tập tôn trọng người khác, hãy phóng đại và phóng ngoại những ưu điểm của họ, dù là những ưu điểm nhỏ, mới manh nha đi nữa. Hãy đối xử ưu ái và tin tưởng, thực lòng coi trọng, đánh giá cao sự cố gắng của họ. Nếu biết kiên nhẫn nhìn nhận người khác, bạn trở nên “biết người, biết ta”, sẽ học hỏi được nhiều điều ở cả những người nhỏ tuổi hơn mình, thấp kém hơn mình, bởi “Trong ba người cùng đi, tất có người đáng làm thầy ta” (Khổng Tử). Từ đó, việc cộng tác sẽ trở nên suôn sẻ, ta sẽ biết điểm mạnh, điểm yếu của người khác để bổ sung lẫn nhau trên tinh thần hợp tác. Và điều quan trọng là khi chấp nhận được người khác với tất cả ưu, nhược và khuyết điểm của họ, chính bản thân chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng hơn, sẽ cảm nhận được tình cảm yêu mến của mọi người xung quanh dành cho mình.

Thanh Lê
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]