Biết nói làm sao

1. Ai đó có một sự liên tưởng rất hay rằng công nghệ thông tin là chân tay, là mắt là tai của nhân loại. Tôi thì nghĩ rằng, công nghệ thông tin đơn giản là một phương tiện, là người giúp việc đắc lực nhất trong những người giúp việc.

15.5981


Minh họa: Đỗ Đức.

2. Cách đây trên mười năm, con tôi đi thi vào một cơ quan báo chí, thì khả năng ưu việt nhất lúc ấy của nó là biết dùng vi tính văn phòng, mới chỉ là đánh chữ sửa bài…

Hồi đó, biết một ngoại ngữ vừa vừa thôi cũng nắm chắc đó là một nghề, nghề thông dịch. Cũng cách đây trên chục năm, lái xe còn là một nghề kiếm việc không khó lắm.

Nhưng bây giờ thì gần như ba việc trên chỉ còn là phương tiện bắt buộc đương nhiên mỗi người trẻ tuổi thế hệ mới phải có. Nó không còn được coi là cái “nghề” vững chắc như xưa nữa.

3. Tôi có những người bạn cùng lứa, hầu như đến chín mươi phần trăm không biết dùng vi tính. Cũng không hẳn về hưu không cần đến mà trong đầu một số người còn coi đó là phương tiện của thế hệ mới, còn mình thì… xong rồi. Biết thêm cái gì mệt cái đó. Không có nó vẫn sống đó thôi.

Có người đang làm việc hỏi có biết vi tính không thì chỉ đơn giản lắc đầu, bảo không biết thấy cũng không ảnh hưởng gì. Câu chuyện nước ngoài, bảy tám mươi còn đi học để lấy bằng đại học khiến nhiều người bụm miệng cười không tin là thật. Học để làm gì nhỉ khi đã gần đất xa trời?

Không biết vi tính nên mới không biết cái máy tính nối mạng là nối với kho tri thức toàn cầu, một cái kho tri thức vô tận. Một cái ngăn kéo của bàn làm việc không khác gì nồi cơm Thach Sanh trong cổ tích về đủ dạng thông tin.

Bao giờ hiểu biết trở thành khát khao của cả xã hội thì người ta mới tìm hiểu học hỏi hằng ngày. Bao giờ xã hội coi trọng sự hiểu biết và cần sự đóng góp của trí tuệ thì mới nảy mầm những khát khao. Ở nước ngoài, về hưu mới bắt đầu với những việc lớn cho mình, còn ta về hưu thì coi như đã đứng sang lề đường. Mà tệ nhất là chính bản thân những người đó tự loại mình ra ngoài lề trước.

Chuyện khai gian tuổi để nhùng nhằng lâu thêm trong biên chế chính là phản ánh nỗi sợ hãi: khi không có cái ách mắc vào cổ thì mình biết kéo cái gì. Đó chính là tình trạng trì trệ do kém hiểu biết, quen sống phụ thuộc, không biết tự vận động, từ đó lại càng trở nên bi quan. Bi kịch đó chính là hậu quả của sự trì trệ trong vận động để tích lũy tri thức. Trong mọi sự từ chối thì từ chối học hỏi là sự từ chối tệ hại nhất.

Tôi quen một sĩ quan cấp tá từng được đào tạo nghề ở Liên Xô nay về hưu chả biết làm gì. Cả năm bận vào mấy ngày giỗ chạp và bận đi ăn cỗ. Hôm nào rảnh thì ra đình làng chơi tổ tôm. Ông ấy bảo chơi để chống sụt giảm trí nhớ.

Một xã hội lành mạnh là luôn tạo ra cơ hội cho những năng lực. Nó sẽ là mảnh đất để cho các mầm cá thể năng động tích lũy và thể hiện. Sự trì trệ của xã hội hôm nay thuộc về cơ chế đã tạo ra con người trì trệ. Nên rất khó tạo ra một xã hội khát khao tri thức.

Bây giờ nhiều sếp ngày ngày để máy tính trên bàn cho oai mà không biết dùng, bằng cấp cũng mua để hợp lý tiêu chí bổ nhiệm thì sự thoái hóa là đương nhiên, còn biết nói làm sao.

Theo Đỗ Đức

Tiền phong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]