`Blue-chip là bò sữa, penny là những con bê`

Chuyên gia Phạm Kinh Luân cho rằng bí quyết để đầu tư vào các penny là sự hiểu biết về DN, sự tập trung trong danh mục đầu tư cũng như khả năng đi trước thị trường.

0

Sau sự kiện quỹ VEIL của Dragon Capital không thoái vốn, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng vào một sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế giao dịch vẫn trong trạng thái lình xình, các chỉ số dao động trong biên độ hẹp. Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán, trước sự kiện VEIL, vốn đã giao dịch trong trạng thái lình xình. Do đó, sự kiện này chỉ như nắm cát ném xuống một dòng chảy nhỏ. Dòng chảy này ban đầu có thể tắc lại, rồi ào qua khi nắm cát kia bị cuốn trôi. Tuy nhiên, dòng chảy sẽ nhanh chóng trở về trạng thái ban đầu nếu sức nước không có gì đột biến.

Tương tự như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thiếu vắng dòng tiền đầu cơ, và sẽ còn tiếp tục như vậy cho đến cuối năm vì mục tiêu số một của kinh tế 2010 là ổn định.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có dòng tiền đổ vào nền kinh tế bởi ngoài kênh tín dụng, còn rất nhiều con đường khác để đưa vốn vào thúc đẩy sản xuất kinh doanh (ngân sách, doanh nghiệp nhà nước, bảo lãnh vay vốn…).

Do đó, nhà đầu tư không nên “ôm cây đợi thỏ” ở thời điểm này mà cần chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội đối với từng cổ phiếu.

Nhiều nhận định cho rằng cho rằng khả năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm vẫn tương đối khả quan. Tuy nhiên, ít khả năng xảy ra những đợt “sóng lớn”. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Nếu căn cứ vào Vn-Index, HNX-Index và cơ cấu của nó để nói chuyện sóng lớn, sóng nhỏ thì nhận định trên là có lý. Lấy ví dụ đơn giản là nhóm ngành ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán. Nhóm này chiếm khoảng 1/3 trong cơ cấu niêm yết và nhiều khả năng sẽ không có nhiều đột biến trong kết quả kinh doanh năm nay với chính sách kinh tế chú trọng vào ổn định.

Các doanh nghiệp này vẫn có thể hoàn thành hoặc vượt một chút so với chỉ tiêu đề ra từ đâu năm nhưng kết quả này đa phần đã được phản ánh vào giá nên khó tạo sóng trên thị trường.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp mặt hồ phẳng lặng thì chưa chắc sự chuyển dịch ở các lớp nước bên dưới đã kém sôi động. Do đó, tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng việc đầu tư phải được tiến hành theo từng cổ phiếu chứ không thể “nhắm mắt” đánh theo chỉ số, theo nhóm ngành.

Ông Phạm Kinh Luân hiện là Giám đốc Khối nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Kenanga Việt Nam. Ảnh: P.A -Vnexpress

 

Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã tư vấn cho nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn tới các cổ phiếu nhỏ. Ông nghĩ sao về chiến lược đầu tư này?

Lại làm một phép so sánh, ta dễ thấy blue-chip giống như bò sữa còn penny-stock là những con bê. Cùng là 10 đồng bỏ ra, dễ thấy hiệu suất sinh lời nếu đầu tư vào bò sữa sẽ thấp hơn nhiều so với đầu tư vào một chú bê. Điều quan trọng là phải chọn được đúng những chú bê mà sau này sẽ trở thành bò sữa.

Vậy khi đặt niềm tin vào các cổ phiếu nhỏ, nhà đầu tư cần chú ý điều gì?

Dù đầu tư vào cổ phiếu lớn hay nhỏ, người ta cũng cần hiểu cặn kẽ về doanh nghiệp mà mình muốn đầu tư. Bên cạnh báo cáo tài chính, cái quan trọng hơn là nhà đầu tư phải hiểu doanh nghiệp sản xuất những gì, bán cho ai, đối thủ cạnh tranh là ai?...

Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến danh mục đầu tư. Câu chuyện “không bỏ trứng vào một giỏ” là đúng nhưng cũng không nên bỏ trứng vào quá nhiều giỏ. Nếu sức mình chỉ quản lý được 3 cổ phiếu thì chỉ nên đầu tư vào từng ấy cổ phiếu mà thôi.

Cuối cùng, hãy nhìn vào cách một đàn linh dương di chuyển trên sa mạc mà đầu tư. Con đi đầu đương nhiên có cơ hội kiếm được thức ăn ngon nhất nhưng nó cũng chịu rủi ro cao nhất nếu đi quá xa (lạc đường, bị ăn thịt…).

Đi sau đàn thì đương nhiên là không tốt trong khi nếu đi cùng đàn, nguy cơ bị tiêu diệt sẽ ít hơn nhưng cơ hội kiếm ăn là không cao. Do đó, cách tốt nhất vẫn là đi trước đàn khoảng… nửa bước để vừa có cái ăn, vừa đảm bảo được an toàn.

Đầu tư vào cổ phiếu nhỏ rõ ràng cho khả năng đột biến về lợi nhuận cao. Vậy tại sao các nhà đầu tư tổ chức vẫn chuộng blue-chip hơn?

Giống như nhiều người, tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở mục đích đầu tư dài hơi của các nhà đầu tư tổ chức. Bên cạnh đó, họ cũng chọn cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn một phần vì lý do thanh khoản.

Một nguyên nhân khác là không gian “vùng vẫy” của nhà đầu tư khi lựa chọn cổ phiếu nhỏ chưa nhiều. Giống như một căn phòng chứa được 300 người, nếu chỉ có 200 người vào thì còn thoải mái chứ 500 người vào thì quả là nguy.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]