Bỏ phiếu dàn trải, hiệu quả sẽ thấp

Hầu hết các ý kiến đều có cùng quan điểm chỉ tập trung bỏ phiếu tín nhiệm ở những vị trí chủ chốt, không nên bỏ phiếu một cách dàn trải, không có trọng tâm.

15.6009

Đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Sáng 10/11, chia sẻ góp ý về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm đây là việc làm cần thiết, thể hiện tinh thần nhà nước của dân, do dân và vì dân.

"Bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm cần thiết, đáp ứng mong muốn của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Nếu làm tốt sẽ thực hiện được vai trò giám sát của QH. Nhưng đây là việc làm mới nên phải thận trọng, chắc chắn, công tâm, tránh sơ hở để phát sinh lợi ích nhóm” – đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, đoàn Phú Thọ nêu.

Để việc bỏ phiếu tín nhiệm đạt hiệu quả cao, đa số các ĐBQH đều có cùng quan điểm khoanh vùng phạm vi, không nên bỏ phiếu dàn trải. Qua đó bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên thực hiện với 49 người đang nắm giữ những vị trí chủ chốt do QH, HĐND bầu, còn những vị trí các Ủy ban QH, Ủy ban dân vận không nên bỏ phiếu. Vì các vị trí này có đến 380 người, nếu đều bỏ phiếu tín nhiệm sẽ quá nhiều, quá dàn trải và không có trọng tâm.

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đoàn Ninh Thuận, phạm vi bỏ phiếu chỉ nên tập trung vào những đối tượng liên quan đến quyền và tiền, chứ không nên mở rộng mang tính hình thức. Bên cạnh đó, đại biểu Việt cũng cho rằng, cần để người dân tham gia xây dựng hệ thống chính quyền. Việc bỏ phiếu qua ĐBQH cũng chỉ là gián tiếp, vì thế cần để dân được tham gia trực tiếp bằng phương án điều tra xã hội. Việc làm này cần được thực hiện một cách công bằng, khách quan và có khoa học. 

Nhất trí với quan điểm chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm các vị trí chủ chốt như trong tờ trình dự thảo, còn đối với thành phần các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, đoàn Thái Bình cho rằng cần hết sức cân nhắc. Theo đại biểu Hoàn, các vị trí trong Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội không nên lấy phiếu tín nhiệm, vì các vị trí này phần lớn đều kiêm nhiệm.

Đại biểu Hoàn đưa ví dụ, có người làm Chủ tịch, hay Bí thư Tỉnh ủy và còn tham gia Ủy ban nào đó trong Quốc hội, vì bận việc địa phương nên người này ít tham gia và thường vắng mặt trong các sự kiện của Uỷ ban, vì thế rất khó sát với thực tế khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Quy định các mức độ trong lá phiếu cũng là vấn đề được đa số các đại biểu quan tâm cho ý kiến tại buổi thảo luận sáng 10/11. Dự thảo lấy phiếu tín nhiệm quy định với bốn mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp, không tín nhiệm và không có ý kiến. Có đại biểu cho rằng, quy định bốn mức như vậy quá rườm rà, không cần thiết và chỉ nên để ở hai, ba phương án.   

Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, đoàn Phú Thọ, đề ra 4 mức tín nhiệm như vậy là quá nhiều, khiến việc xác định tiêu chí khó, mặt khác lá phiếu cũng bị phân tán, không tập trung. Đại biểu Khánh kiến nghị chỉ thiết kế ba mức: tín nhiệm, không tín nhiệm và không ý kiến.

Nếu bước một người được bỏ phiếu không quá bán, sang bước thứ hai lấy phiếu bất tín nhiệm (hay còn gọi là bỏ phiếu tín nhiệm), có thể tiến hành đột xuất. Tuy nhiên, đại biểu này cũng đề nghị dự thảo cần ghi rõ thời gian xử lý, hoàn thiện quy trình bỏ phiếu tín nhiệm và trách nhiệm của người được bỏ phiếu. “Nếu người được bỏ phiếu không đồng tình thì phải xử lý như thế nào?” – đại biểu Khánh nêu tình huống.

"Quy định mức độ nhiều như thế tưởng rằng kỹ nhưng thực chất lại bị phân tán khó tập trung và khó đạt kết quả như mong muốn. Khi bỏ phiếu chỉ cần có tín nhiệm hay không là được” – đại biểu Giàng A Chu, đoàn Yên Bái phân tích.

Đa số các ý kiến đề nghị trong các mức bỏ phiếu không nên đưa phương án “không có ý kiến”.  Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi, đoàn Phú Yên, nếu đại biểu “không có ý kiến” thì bao giờ mới có ý kiến? ĐBQH do dân bầu vì thế người đại biểu phải có trách nhiệm khi lựa chọn cán bộ. Ngoài ra, đại biểu Chi cũng thẳng thắn đề nghị trường hợp 2/3 không tín nhiệm thì phải tiến hành bãi miễn ngay.

Về thời gian bỏ phiếu tín nhiệm, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này. Có đại biểu cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm cần tiến hành hàng năm để nâng cao trách nhiệm của người được bầu, song nhiều ý kiến lại cho rằng mỗi nhiệm kỳ chỉ nên bỏ phiếu hai lần.

Để việc bỏ phiếu thực sự hiệu quả, đại biểu đề nghị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho đại biểu. Ngoài ra những người trong danh sách bỏ phiếu tín nhiệm phải có đánh giá nhận xét của cá nhân và cả nơi làm việc, thậm chí cần cả đánh giá nhận xét của cử tri thông qua Mặt trận Tổ quốc.

Nguyễn Dũng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]