Bổ sung chất béo để khoẻ, đẹp

(Kiến Thức) - Thiếu axit béo thiết yếu dễ bị bệnh ngoài da, da tróc vảy, rụng lông. Vì vậy, muốn khỏe và đẹp bạn cần bổ sung đủ chất béo cho cơ thể.

0
Chất béo còn gọi là dầu mỡ hay lipit là yếu tố cung cấp năng lượng vừa là yếu tố tạo hình. Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 1g chất béo cho mỗi kg cơ thể. Đối với trẻ con và người lao động thể lực nặng cần khoảng 1,5g chất béo cho mỗi kg cơ thể. 

Chất béo chính là dầu (trong thực vật) và mỡ (trong  động vật). Khẩu phần hằng ngày nêu trên nên theo tỷ lệ 50% mỡ động vật, bơ, dầu dừa, dầu cọ và 50% từ dầu (thực vật) giàu nối đôi như dầu phộng, nành, mè, hướng dương thì mới tốt cho sức khoẻ. Đối với các dầu giàu axit béo nhiều nối đôi, gọi là axit béo thiết yếu hay vitamin F như dầu lạc, đậu nành, hướng dương, mè... chỉ nên chế biến bằng cách đánh xốt trứng (sauce mayonnaise) hoặc kho, nấu, luộc, trộn xà lách, chứ đừng chiên rán để khỏi bị hư các nối đôi quý giá ấy.

Chất béo này rất cần sự tăng trưởng tế bào vì chúng là cơ cấu của màng tế bào, không thể thiếu cho sự phát triển trẻ con cũng như người lớn (để đổi mới tế bào giúp trẻ lâu). 1g chất béo cung cấp 9 calo và chất béo chiếm khoảng 18% nhu cầu năng lượng trong khẩu phần.    

Chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sắc đẹp.

Khi ta ăn nhiều bột đường (carbohydrat hay lương thực) thì làm tăng nhu cầu sinh tố F, nó giúp ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol ở động mạch, làm tóc và da khỏe mạnh; Giúp tăng trưởng và khoẻ mạnh bởi sự ảnh hưởng của hoạt động tuyến nội tiết và đưa canxi đến các tế bào, chống lại bệnh tim; Giúp giảm cân bởi nó đốt cháy những mỡ bão hòa. Hằng ngày, nếu ta dùng một lượng 50% chất béo từ các dầu, đậu nêu trên và 50% chất béo từ mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, bơ, shortening thì sẽ đủ sinh tố F. 

Lưu ý, sinh tố F, tức các axit béo thiết yếu nêu trên có 2 - 3 nối đôi (chưa bão hòa) trong cơ cấu. Nếu ta chiên, rán thì nhiệt độ cao sẽ làm đứt các nối đôi, chẳng những không còn bổ dưỡng mà còn trở nên độc hại vì gây ung thư. Do đó, phần chất béo chứa sinh tố F nên được chế biến theo kiểu kho, nấu, luộc hoặc tốt nhất là đánh xốt trứng để dùng. Ăn đậu phộng (lạc) luộc, hoặc giã nát nấu với bí ngô, canh rau, hoặc uống sữa đậu nành cũng sẽ có được các axit béo thiết yếu nói trên.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]