Bổ sung chất đạm cho trẻ: Ít hay nhiều đều nguy hại

GiadinhNet - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng do thiếu chất đạm. Nhưng ăn quá nhiều chất đạm cũng gây nguy hại không kém vì nó tạo ra nhiều sản phẩm trung gian gây độc.

15.6023
Ăn nhiều đạm không tốt

ThS. BS dinh dưỡng Nguyễn Trọng An (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, chất đạm hay còn gọi là protein rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Việc thiếu hụt những protein cần thiết trong khẩu phần ăn sẽ dẫn tới các triệu chứng: Mệt mỏi, các bệnh về huyết áp, béo phì, tiểu đường, nhiễm trùng thường xuyên, rối loạn tiêu hóa.

Theo BS CKII Đinh Thị Kim Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Bạch Mai, việc cha mẹ  giữ chế độ ăn nghèo chất đạm cho con trong một thời gian dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng về cân nặng, kéo theo suy dinh dưỡng về chiều cao. Chế độ ăn thiếu đạm còn dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, rất nguy hiểm. Ngoài ra, còn làm trẻ giảm sức đề kháng, tăng nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn.

“Nếu thiếu đạm nghiêm trọng trong khẩu phần ăn như trẻ nhỏ bị thiếu sữa mẹ, ăn kiêng khi trẻ bị tiêu chảy... sẽ gây ra bệnh suy dinh dưỡng thể phù. Đây là một dạng suy dinh dưỡng cấp tính, nguy hiểm bởi sự mất khối lượng cơ, hệ thống miễn dịch suy giảm. Lúc này, trẻ bị phù toàn thân, da trợt loét, bong ra từng mảng đỏ như bị bỏng. Mắt trẻ có thể bị mù lòa do thiếu vitamin A và thường tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời” -  Ths. BS Nguyễn Trọng An cho biết.

Mặc dù chất đạm rất quan trọng với sức khoẻ trẻ em, nhưng BS Đinh Thị Kim Liên cảnh báo: Trẻ ăn quá nhiều đạm lại không tốt vì trong quá trình tiêu hóa, chất đạm tạo ra nhiều sản phẩm trung gian gây độc. Nó làm tăng gánh nặng cho gan và thận, khiến cơ thể trẻ mệt mỏi. Thức ăn trẻ hấp thu sẽ khó tiêu hóa, dẫn đến trẻ chán ăn, táo bón. Mặt khác, khẩu phần ăn của trẻ cần có sự cân đối giữa chất đạm, béo và đường bột. Bởi vậy, nếu ăn nhiều đạm khiến trẻ khó hấp thu các loại vitamin, không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể vì chất đạm sinh rất ít năng lượng.
 
 
Ăn bao nhiêu là vừa?

ThS. BS Dinh dưỡng Nguyễn Trọng An cho biết, trẻ em dưới 1 tuổi có nhu cầu khoảng 20-25g đạm mỗi ngày, tương đương 1 quả trứng gà, hay 2 ly sữa bò tươi hoặc 1 ly sữa pha từ sữa bột ít béo (ly 200ml). Từ 2-5 tuổi cần 25- 35g đạm/ngày. Với những trẻ bị thiếu đạm cần bổ sung trứng và sữa vào bữa ăn. Trứng và sữa là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. Trong trứng có đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, các men và hormone. Hơn nữa, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng tương quan với nhau, phù hợp cho sự phát triển của cơ thể trẻ em.

BS Kim Liên cũng cho biết, trẻ cần 4 - 5 g đạm/kg cân nặng mỗi ngày. Số gam đạm trong 100g thực phẩm là: Thịt lợn hoặc thịt bò, thịt gà nạc có 20-21 g; cá, tôm cua (đã trừ phần thải bỏ) 16-18 g; trứng gà (vịt) 13-14 g; đậu phụ 9 g. Như vậy, một ngày trẻ cần khoảng 120-150 g thịt hoặc 150-200 g cá, tôm hoặc 300 g đậu phụ, 2 quả trứng.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu về chất đạm cho trẻ được tính như sau: Trẻ dưới 6 tháng có nhu cầu chất đạm trong 1 ngày là 20 - 22g; trẻ từ 6 - 12 tháng cần từ 23 -25g; trẻ từ 1-  3 tuổi cần từ 28 -  30g; trẻ từ 4 -6 tuổi cần từ 36 -  40g; trẻ từ 7 -  9 tuổi cần từ 40 -  45g và trẻ trên 10 tuổi có nhu đạm là 50 - 60 gam.

BS Kim Liên cho biết: Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, để bổ sung chất đạm thì nên cho ăn thêm các thức ăn có nhiều đạm động vật như thịt, tôm, cua, cá, trứng, đậu, lạc, vừng, rau cải và ngũ cốc.

Để đảm bảo các chất dinh dưỡng, mỗi bữa ăn của trẻ phải đầy đủ bốn nhóm thực phẩm như: Bột gạo, thịt hoặc cá, rau xanh và dầu mỡ. Ngoài ra, cần đảm bảo đủ lượng nước cho trẻ, nhất là trong mùa hè. Vì thiếu nước thì sự chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể kém đi, chất đạm ăn vào không chuyển hóa được.
 
BS CKII Đinh Thị Kim Liên – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Bạch Mai:
 
Nên cho trẻ ăn đạm động vật

Chất đạm có 2 loại là thức ăn cung cấp đạm nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật. Ðạm động vật có đủ 8 acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối, còn đạm thực vật thường thiếu một hoặc nhiều acid amin cần thiết ở tỷ lệ không cân đối. Vì vậy, nên dùng đạm động vật để hỗ trợ cho đạm thực vật hoặc phối hợp với nhau.

Với trẻ em cần ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đạm động vật, không nên ăn nhiều đạm thực vật như người lớn. Một ngày, thành phần đạm từ thức ăn động vật phải bằng 2/3 tổng số đạm, ví dụ một ngày ăn 50 gam đạm thì 30 - 35 gam đạm từ động vật.
 
Phương Thuận
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]