Bổ sung đủ sắt trong bữa ăn của trẻ

Sắt có vai trò quan trọng đối với tất cả tế bào trong cơ thể, trong đó có cả não nên việc bổ sung đủ sắt trong bữa ăn của trẻ là việc vô cùng cần thiết.

0

Vai trò của sắt với cơ thể trẻ

Trang thông tin điện tử Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, sắt là  một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu và làm cho hồng cầu có màu đỏ, có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể.

Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong cơ vân, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của cơ vân, chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Sắt cũng là thành phần cấu tạo của một số loại protein và enzyme, có vai trò trong quá trình giải phóng năng lượng khi oxy hóa các chất dinh dưỡng và ATP.

Nếu thiếu sắt, sự vận chuyển oxy đến các mô cơ thể cũng như sự dự trữ oxy ở mô cơ vân sẽ giảm sút, làm cho cơ thể hoạt động không hiệu quả, mau mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên… Các triệu chứng thiếu sắt nặng sẽ nằm trong hội chứng thiếu máu thiếu sắt.

Biểu hiện của trẻ thiếu sắt

Đa số trẻ bị thiếu sắt thường biểu hiện ở hình thức giảm dự trữ sắt trong cơ thể, chỉ một số trường hợp thiếu sắt nặng sẽ trở thành thiếu máu thiếu sắt. Việc phát hiện thiếu sắt sớm, trước khi có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ vì sắt có vai trò quan trọng đối với tất cả tế bào trong cơ thể, trong đó có cả não.

Theo Sức khỏe và Đời sống, vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển ôxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em.

Khi thiếu máu khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu bị giảm, làm thiếu ôxy ở các tổ chức đặc biệt là tim, cơ bắp, não gây nên hiện tượng tim đập nhanh, trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu, các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt do thiếu ôxy não, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mệt mỏi.

Thiếu máu não ở trẻ lớn còn làm cho trẻ mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến học tập sút kém. Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt là da xanh niêm mạc nhợt (đặc biệt là niêm mạc mắt và môi) móng tay móng chân nhợt nhạt, móng tay dễ gây biến dạng, tóc khô cứng dễ gãy, trẻ thiếu máu thường biếng ăn chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay nôn trớ.

Xét nghiệm máu là cách tốt nhất để chẩn đoán thiếu máu. Định lượng huyết sắc tố (Hb) nếu dưới 11g Hb trong 100ml máu ở trẻ là bị thiếu máu.

Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh.

Sắt tham gia vào tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nên thiếu sắt trẻ hay bị ốm đau do hệ thống miễn dịch suy giảm.

Cung cấp sắt trong bữa ăn của trẻ

Sự hấp thu sắt bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một yếu tố quan trọng là dạng của sắt trong thức ăn. Heme là thành phần chính của huyết sắc tố để cấu tạo nên hồng cầu. Sắt ở dạng heme có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật và dễ được hấp thu hơn là sắt không ở dạng heme có nguồn gốc thực vật.

Thức ăn giàu sắt ở dạng heme bao gồm các loại hải sản như nghêu, sò huyết, tôm, cá... các loại phủ tạng động vật như gan heo, gan gà, gan bò. Nên cho trẻ ăn đầy đủ các loại thực phẩm nói trên  và các loại thịt bò, thịt gà, trứng để trẻ được bổ sung sắt đầy đủ.

Một số loại thức ăn giàu sắt không ở dạng heme như bột ngũ cốc, đậu tươi nấu chín, hạt bí đỏ, mật đường, các loại rau xanh như rau muống, măng tây... Sự  hấp thu của sắt không ở dạng heme có thể  được làm tăng lên khi được ăn kèm những thức  ăn chứa sắt ở dạng heme trong cùng một bữa ăn.

Ngoài ra, những chất làm tăng hấp thu sắt cũng có thể giúp tăng hấp thu sắt không ở dạng heme. Cần chú ý tránh ăn chung với những thức ăn có tính ức chế sự hấp thu sắt.

Nên ăn nhiều chất làm tăng hấp thu sắt như thịt cá, gia cầm, các loại  trái cây: vitamin C, cam, dưa đỏ, dâu, nho, các loại rau: bông cải xanh, cà chua, khoai tây, tiêu xanh và tiêu đỏ... Chất làm giảm hấp thu sắt là rượu vang đỏ, cà phê, trà, các loại củ dền, củ cải, sản phẩm từ đậu nành.

Việc chọn một chế độ  dinh dưỡng gồm những thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp bé phòng tránh được bệnh thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ với những thức ăn giàu chất sắt mà vẫn thấy trẻ xanh xao, cần đưa trẻ đi khám bệnh để tầm soát các nguyên nhân như nhiễm giun móc, viêm loét dạ dày, rong kinh ở tuổi dậy thì hoặc thiếu máu bẩm sinh di truyền.

Các bà mẹ trong gia đình cần quan tâm đến thành phần dinh dưỡng của bữa ăn cho trẻ. Cho trẻ ăn đa dạng, thay đổi món, bổ sung rau, củ quả đúng cách. Tránh làm cho trẻ chỉ ăn một vài món ưa thích khiến mất cân bằng vi chất trong khẩu phần ăn, gây ra các bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Thùy Linh

Nên đọc


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]