Năm 2007, qua hòa giải ở tòa, bà và một ngân hàng thỏa thuận có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng từ lúc TAND quận Phú Nhuận ra quyết định hòa giải thành (tháng 11-2007) đến hết tháng 1-2008 với tiền gốc là 1,2 tỉ đồng và hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Nếu bà không trả đúng hạn sẽ phát mại căn nhà mà bà đang thế chấp để thi hành án (THA)... Tháng 3-2011, bà mang đủ tiền đến nộp ở Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận. Tại đây, bà lại được nhận thêm một thông báo của tòa, bổ sung quyết định hòa giải thành với nội dung buộc bà trả tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định vì chậm THA. Bà cho rằng tòa buộc bà trả thêm tiền chậm THA (700 triệu đồng) là không đúng!

Ông Trương Công Thành, Chi cục phó Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận, cho biết sau khi nhận thông báo của tòa, chi cục đã có công văn yêu cầu tòa giải thích về thông báo trên. Tòa đã trả lời là làm đúng quy định...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Trần Thị Thanh Trúc, Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận, giải thích: Khi ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, thư ký đánh máy thiếu phần lãi suất chậm THA cho ngân hàng đã ghi trong biên bản hòa giải thành. Vì thế, tòa mới đưa ra thông báo sửa chữa, bổ sung quyết định trước đó. Đồng thời, trong quyết định hòa giải thành cũng đã nêu căn cứ khoản 3 mục 1 Thông tư liên tịch số 01 (ngày 19-6-1997) của TAND Tối cao (nội dung trả lãi chậm THA). Do đó, việc bổ sung phần thiếu sót là điều cần thiết.

Luật sư Nguyễn Thế Thông (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung phải được thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức khởi kiện và VKS cùng cấp… Với trường hợp này, nếu trong biên bản hòa giải thành có đề cập đến phần lãi suất này mà trong quá trình đánh máy có sơ suất không ghi vào quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì đây có thể được xem là lỗi đánh máy và tòa có thể ra thông báo sửa chữa, bổ sung.

N.HIỀN - T.CHÍNH


Video đang được xem nhiều