Bổ thận tráng dương bằng vị thuốc từ rùa

Thịt rùa tính ôn (có tài liệu ghi bình, lương). Có nhiều tính năng công dụng được ghi trong các sách kim cổ đông tây: nói chung các bộ phận của rùa đều bổ thận, tư âm dưỡng huyết, lưu thông khí huyết khử ứ, mạnh gân cốt cơ nhục, trừ chứng nhiệt chưng.

15.5701

Theo Đông y, rùa còn có nhiều tên như kim quy, nguyên chư. Thịt rùa tính ôn (có tài liệu ghi bình, lương). Có nhiều tính năng công dụng được ghi trong các sách kim cổ đông tây: nói chung các bộ phận của rùa đều bổ thận, tư âm dưỡng huyết, lưu thông khí huyết khử ứ, mạnh gân cốt cơ nhục, trừ chứng nhiệt chưng. Dùng bồi dưỡng thần kinh, thể lực, lão hóa sớm, đi tiểu đêm nhiều, đái dầm, són đái, sa tử cung, lòi dom, trĩ ra máu, các bệnh viêm nhiễm ở bộ máy hô hấp (kể cả các loại lao), gan, thận, tiêu hóa, ngoài da (do huyết có nhiệt độc). Gần đây có nói đến tác dụng tăng cường miễn dịch, chống ung thư.

Rùa nước ngọt.
Nghiên cứu hóa học các sản phẩm của rùa có nhiều axit amin, chất khoáng, vitamin rất cần cho cơ thể có tác dụng dinh dưỡng và chữa bệnh cao.

Trong y văn cũng như trong thực tiễn cho ta thấy nên dùng rùa vàng (ở đầu, chân và đường viền các ô có màu vàng nhạt). Trọng lượng trung bình khoảng 500g đủ ăn một bữa. Dùng rùa sống khỏe mạnh không dùng rùa ốm yếu, đã chết. Để làm chín thịt rùa có lời khuyên nên hấp cách thủy, ninh, hầm nhừ. Thịt rùa có thể nấu đơn thuần với gia vị hoặc nấu cùng dược liệu có tác dụng chữa bệnh mong muốn. Nếu dùng lần đầu tiên chú ý thăm dò phản ứng của cơ thể nhanh, chậm, tốt, xấu...

Sau đây là một số công thức để áp dụng có trong y văn kim cổ.

Huyết rùa: Dùng huyết rùa với đường lượng vừa ăn. Ngày 2 lần. Mỗi lần 4 thìa. Chủ trị viêm phế quản khó thở, ho khan.

Để bổ máu chữa thiếu máu dùng được cả huyết rùa biển 100ml uống nóng. Tuần vài lần, không hạn chế liệu trình. Kinh nghiệm ở Bình Định dùng rượu huyết rùa tỷ lệ 2 huyết 1 rượu.

Thịt rùa: Dùng làm thức ăn và dược thiện để bổ dưỡng và chữa một số bệnh.

- Bổ thận âm, an thần, ích trí: Rùa vàng 1 con (khoảng 240g làm sạch), hoàng tinh 30g, thiên môn đông 24g, ngũ vị tử 9g, táo đỏ vài quả bỏ hột. Tất cả cho vào nồi, thêm nước vừa đủ. Nấu lửa to cho sôi rồi giảm lửa, nấu tiếp khoảng 2 tiếng cho nhừ nêm gia vị.

- Tư âm dưỡng huyết, ích tâm thận, bổ phế tạng: Thịt rùa 60g, bách hợp 30g, đại táo 10 quả bỏ hạt. Gia vị nấu chung. Ăn cái uống nước canh.

- Tư bổ can thận chữa đau lưng mỏi gối, tăng huyết áp: Thịt rùa 10g, đỗ trọng 1-15g. Nấu chung ăn thịt, uống nước canh, bỏ bã đỗ trọng.

- Tác dụng bổ thận ích tinh dưỡng huyết chữa người gầy yếu xanh xao thiếu máu, luôn mỏi mệt mất sức, sốt âm ỷ, ho lâu ngày: Thịt rùa 750g, chân giò heo hun khói 30g, thái miếng 2 thứ thịt trên xào rán phi hành mỡ gừng cho nhanh, cho vào nồi ninh chân giò để được canh hơi đặc, nêm mỳ chính, ăn cái uống nước canh.

- Chữa gân cốt nhức mỏi: Thịt rùa 1 con vừa phải. Bột thiên hoa phấn, câu khởi tử mỗi thứ 6g, hoa hòe 15g. Nấu chung cho nhừ. Ăn thịt rùa, uống nước canh.

- Lao phổi, ho ra máu: Rùa 1 con vừa phải làm sạch với sa sâm, bạch cập mỗi thứ 10g. Nấu chung ăn thịt rùa với canh. Hoặc sa sâm với đông trùng hạ thảo đều 10g.

- Già yếu thận hư gây đi tiểu nhiều lần ban đêm, són đái: Rùa 1 con vừa phải, một ít thịt chó nạc, gừng, hành, vỏ quýt, rượu, gia vị đủ dùng. Nấu sôi hạ lửa ninh nhừ ăn.

- Bổ thận tráng dương, bổ khí huyết: Thịt rùa 200g, thịt dê 200g, đảng sâm 12g, đương quy 10g, câu kỷ tử 10g, rượu 20g, hạt tiêu bột 4g, đường phèn 15g, gừng 10g, hành, muối, mỳ chính.

Thịt thái nhỏ, thuốc cho vào túi vải. Xào qua thịt với rượu cho thơm chuyển sang nồi khác cùng các thứ còn lại nấu sôi nước rồi hạ lửa ninh nhừ ăn.

- Sa tử cung: Thịt rùa 120g thái miếng, thăng ma 12g cho vào túi vải. Nấu chung với 750ml nước, nấu sôi hạ lửa cho chín nhừ. Ăn thịt uống canh bỏ bã thuốc, ngày 2 lần.

- Ho dai dẳng kinh niên, phong thấp co quắp chân tay: Thịt rùa trộn men rượu, cất thành rượu uống.

Đầu rùa

- Chữa lòi dom, sa tử cung: Đầu rùa 2 cái sấy khô nghiền thành bột, chia 2 lần sáng tối. Uống với nước sôi liền 1 tuần.

- Bổ thận tráng dương: Đầu cổ rùa 1 cái phơi khô tán bột nấu với mỳ sợi, gia vị ăn ngày 1 lần, ăn liền 5 ngày.

Chân rùa

Chữa đau mắt đỏ: 4 cái chân rùa, đường trắng lượng vừa phải. Chân rùa nấu thành keo, cho đường vào. Ăn ngày 1 thang, liền trong nhiều ngày.

Trứng rùa: Để bổ dưỡng nấu chín ăn, uống rượu trắng với một lượng vừa phải.

Gan rùa: Nấu chín ăn chữa chảy máu đường ruột, trĩ.

Chú ý: Bài viết này chỉ nói phần rùa làm thức ăn uống. Rùa có phần yếm rùa (dưới bụng rùa) tên quy bản là một dược liệu làm thuốc quan trọng của Đông y, không thuộc phạm vi bài này.

Rùa là động vật quý hiếm nằm trong danh sách có nguy cơ diệt chủng cần được bảo vệ. Do đó chỉ nên dùng khi thật cần thiết và cần có kế hoạch nuôi phát triển tạo nguồn cung cấp dồi dào hơn như một số nơi đang làm là rất đáng hoan nghênh.

BS. Phó Thuần Hương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]