Bốn phong cách, một chất liệu

Cuộc hội ngộ thú vị của các họa sĩ đương đại tại phòng tranh Tự Do trong tháng 10 giúp người xem tranh hiểu rõ hơn về chất liệu sơn mài truyền thống, thứ chất liệu từng được xem là kém hữu dụng trong việc thể hiện ý tưởng của người họa sĩ.

15.5995


Đọc E-paper

Tranh của Dương Tuấn Kiệt

>
>


Sơn mài truyền thống được chế tác từ keo trích từ cây sơn. Loại cây này trồng nhiều ở miền Bắc Việt Nam và một số nước ở khu vực Đông Nam Á, nhưng chất lượng tốt nhất là sơn của tỉnh Phú Thọ, Việt Nam.

Đáng tiếc, vì sơn mài truyền thống thiếu một số màu cơ bản nên chất liệu này thường chỉ được dùng để bảo quản và trang trí. Chức năng vận dụng vào sáng tác của sơn mài truyền thống vì vậy mà bị "bỏ quên" suốt một thời gian dài.

Hiểu sơn mài truyền thống cũng như thế mạnh của nó nên một nhóm các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày trước đã cùng nhau bổ sung bảng màu cho chất liệu cổ truyền này để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật.

Tranh của Võ Xuân Huy

Ở giai đoạn ấy, phần nhiều tác phẩm theo trường phái ấn tượng. Sau này, các họa sĩ đương đại tiếp tục đẩy xa hơn nữa sức mạnh thể hiện của chất liệu này.

Họ bắt đầu sử dụng sơn mài để chuyển tải cảm xúc tinh tế vào các tác phẩm thuộc nhiều thể loại và phong cách khác nhau, để rồi từ đó sơn mài truyền thống tìm được giá trị riêng của mình với hội họa. Chất liệu này đang từng bước khẳng định giá trị nghệ thuật vẻ vang của mình.

Đại diện cho thế hệ các họa sĩ đương đại đang mặn mà với sơn mài truyền thống có thể kể đến những tên tuổi như: nữ họa sĩ Trần Thị Thu Hà, họa sĩ Dương Tuấn Kiệt, họa sĩ Võ Xuân Huy, họa sĩ Nguyễn Xuân Anh... Điều thú vị thấy được ở bốn cái tên vừa kể là sự khác biệt giữa họ.

Xuất thân từ ba vùng đất của tổ quốc, người miền Nam là họa sĩ Dương Tuấn Kiệt, người miền Trung là Võ Xuân Huy và Trần Thị Thu Hà, người cuối cùng lại ở Hà Nội.

Tranh của Trần Thị Thu Hà

Xuất phát điểm của họ cũng khác nhau, người được đào tạo chính quy, người chỉ là tay ngang đam mê hội họa. Chính sơn mài truyền thống đã kết nối họ với nhau để cùng vinh danh chất liệu truyền thống.

Ở chiều ngược lại, chất liệu này cũng đã làm nên tên tuổi của một số họa sĩ. Khó mà kể hết các triển lãm ở nước ngoài đã vinh danh những họa sĩ đương đại này, từ triển lãm tại lâu đài La Rotonde, Paris, triển lãm Mỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc tại TP. Gwangju, Hàn Quốc... đến hội chợ Nghệ thuật Đương đại Châu Á, New York, Mỹ...

Sự độc đáo trong chất liệu, sự phá cách và sáng tạo trong họa tiết đã đưa tranh của bốn họa sĩ này đến với giới chơi tranh quốc tế.

Cùng có mặt tại triển lãm Bốn Mùa diễn ra tại Phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM), mỗi họa sĩ chỉ mang đến 6 tác phẩm. Một con số khiêm tốn, nhưng số khung tranh ấy của họ cũng đủ làm nên không gian huyền ảo của sơn mài.

Tranh của Nguyễn Xuân Anh

HOÀNG LÂM
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]