“Bóng hồng” đằng sau thành công của Facebook

Sự thành danh của các “đại gia” thường ít nhiều có sự góp sức của những “bóng hồng” nào đó. Trường hợp Zuckerberg và kho vàng Facebook cũng có một kịch bản gần như tương tự

0

.

Với những người ngoài, cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ đã 38 tuổi, từng chồng con đề huề và chàng trai vẫn còn trẻ măng, sớm phát tiết tài năng ở độ tuổi 23 cùng sản phẩm siêu hạng Facebook, đang loay hoay tìm cách để “con gà” đẻ trứng vàng, vẫn bị xem là do “ma xui quỷ khiến”.


Zuckerberg và Sandberg luôn song hành. Ảnh Cnet.

Anh hùng gặp “gái” thuyền quyên

17 tháng sau khi bắt đầu hợp tác, mọi chuyện trở nên cực kì thuận lợi với Facebook. Trước đó, Sheryl Sandberg, với cương vị là giám đốc điều hành một công ty nào đó ở Palo Alto, California và Zuckerberg, sáng lập viên Facebook, dường như vẫn chỉ là những đường thẳng song song. Trên thực tế, cả hai đã quyết định bắt tay.

“Nàng”, một người phụ nữ đứng tuổi, cởi mở, chuyên gia điều hành năng động từng tham gia quản lí một số bộ phận của Ngân hàng thế giới và bộ Tài chính Mĩ, rất thành công với những sản phẩm thương mại cốt lõi làm nên đế chế Google là AdWords và AdSense còn “chàng”, một sinh viên Harvard bỏ học, chuyên gia phân tích phần mềm trẻ tuổi và sớm có cái nhìn về tương lai của công nghệ viễn thông. Sandberg bày tỏ “Chẳng phải chuyện quyền lực hay kiểm soát gì to tát. Đó chỉ là cơ hội để xây dựng một tổ chức tuyệt vời từ thuở ban đầu”.

Trong khi Zuckerberg chỉ biết vùi đầu vào thiết kế sản phẩm với những thuật toán phức tạp thì người phụ nữ giàu kinh nghiệm đảm trách phần “hậu cần”: “Sandberg đã giải quyết mọi chuyện liên quan đến tài chính, tiền nong cũng như những kế hoạch dài hơi như kiếm quảng cáo từ sản phẩm, còn tôi có nhiều thì giờ hơn để nâng cao chất lượng, mở rộng ứng dụng cũng như đưa ra những chiến lược kĩ thuật cần thiết”.

Cùng nhau, cả hai đã vượt qua hàng loạt trở ngại trông gai để có thể mang đến cho 250 triệu thành viên Facebook, đồng thời kiếm được những đồng bạc đầu tiên nhờ vào bán quảng cáo. Một trong những thử thách mà cả hai phải lựa chọn là sẽ dấn bước, phát triển Facebook theo con đường nào, kể cả hình thức kinh doanh sao cho có lời nhất. Gawker và i-Tunes đều là những mô hình đáng quan tâm. Nhưng câu trả lời đơn giản là: Facebook sẽ chỉ là Facebook.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp nội dung số tỏ ra ảm đạm, ngoài “ông lớn” Google, hầu hết các đại gia khác đều rơi vào cảnh tụt dốc, cơ hội dành cho Facebook là không nhiều. Liệu dịch vụ này có thể tự mình vượt lên bằng cách riêng? Có lượng người dùng lớn hơn cả số tín đồ đạo Phật, nhưng túi tiền của Facebook lại chưa bao giờ rủng rỉnh. Khi Sandberg gia nhập Facebook, giá trị thương hiệu trên thị trường của trang khá “hot”, khoảng 15 tỉ USD (nhờ vào quỹ đầu tư với số tiền lên tới 240 triệu USD từ Microsoft), nhưng doanh thu lại chỉ dao động ở mức 150 - 350 triệu USD.

Tuy vậy, so với MySpace, tình hình của Facebook còn khấm khá hơn nhiều, khi lượng thành viên tăng gấp 5 lần giữa 2007 và 2008. Người dùng thường truy cập trung bình 20 phút mỗi ngày trên Facebook, chia sẻ danh tính, nghề nghiệp, nền tảng học vấn, đăng ảnh, quan điểm xã hội, mối quan hệ với bạn bè, những bộ phim, quyển sách, quán ăn họ ưa thích. Facebook trở thành hồ sơ cá nhân để bạn bè thắt chặt thâm giao, với hàng triệu “bệnh án” tâm lí mà bất kì ai hữu hảo cũng có thể thăm viếng.

Bước ra biển lớn


So sánh doanh thu và lượng người dùng của Facebook và MySpace

Trong lúc đó, nỗ lực để giành niềm tin của các nhà quảng cáo, Facebook phát triển một nền tảng dịch vụ bán quảng cáo “cây nhà lá vườn”, đồng thời hợp tác với Microsoft để bước ra biển lớn.

Zuckerberg nhận ra mình nắm trong tay một mỏ vàng tiềm năng. Nhưng với một số người dùng được xem là cổ hủ, những nỗ lực tiếp cận thông tin cá nhân khách hàng của chàng trai trẻ lại trở thành hành vi xâm phạm đời tư.

Tháng 09-2006, Facebook giới thiệu News Feed và Mini Feed, cho phép các thành viên truy cập thông tin cá nhân của người dùng, nhưng không may, các tín đồ mạng xã hội than phiền là mình bị săm soi. Zuckerberg đã phải xin lỗi và buộc phải cải tiến dịch vụ để giúp họ dễ dàng quản lí thông tin cá nhân, danh tính của mình hơn.

Một năm sau, chàng trai trẻ giới thiệu Beacon, tính năng tự động gửi thông tin quảng cáo tới người dùng Facebook bất cứ khi nào bạn bè của họ mua thứ gì đó trên mạng, như ở Amazon, Travelocity và Ebay. Một lần nữa Facebook lại gặp trục trặc, khi hơn 50 ngàn thành viên đã kí vào tờ đơn kiến nghị trực tuyến phản đối chương trình này. Quả thật, người hùng Zuckerberg đã gặp không ít khó khăn thuở hàn vi lận đận.

Đó cũng là thời điểm Sandberg xuất hiện. Những kế sách của người phụ nữ từng trải trên thương trường đã giúp Facebook giải quyết được bài toán lợi nhuận và dữ liệu người dùng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phục hồi lại hình ảnh thương hiệu, vốn vẫn bị đánh giá thấp ở khả năng “giữ cửa” giúp người dùng, cả hai đã làm việc cật lực để cải tiến hệ thống, mang đến một nền tảng mới hợp lí hơn, giúp người dùng có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân. Có lẽ, dự đoán được những cuộc chiến pháp lí nay mai, Sandberg đã thuê luật sư riêng, vốn là một đối tác thân quen để bảo vệ Facebook trước Liên đoàn dân quyền Mĩ.

Eric Schmidt, giám đốc điều hành Google, từng không ít lời ca ngợi khả năng đối phó với các rắc rối trên thương trường của Sandberg. Thời còn đang miệt mài nghiên cứu ở Harvard, Sandberg từng viết luận văn về mối tương quan giữa tình trạng lộng hành quyền lực và sự chênh lệnh về khả năng kiếm tiền giữa vợ và chồng trong một gia đình.

Cô cũng từng nhận được sự hướng dẫn của học giả nổi tiếng Lawrence Summers, tìm hiểu thực tế ở Ngân hàng thế giới để viết về mức độ ảnh hưởng của các chương trình sức khỏe cộng đồng ở một số vùng bị giới nghiêm vì bệnh hủi ở Ấn Độ. Sau khi nhận bằng M.B.A từ ngôi trường lừng danh, Sandberg đã tham gia vào ban cố vấn trong một thời ngắn ngắn cho công ty chuyên trách về tư vấn toàn cầu McKinsey & Co, tiếp đến là chính quyền Clinton. Với tư cách là trưởng nhóm điều hành, Sandberg đã giúp Bộ Tài chính đối phó với với tình trạng náo loạn sau khi Nga và một số nước châu Á gặp khủng hoảng, đấu tranh để khấu trừ nợ nần cho các nước đang phát triển.

Schmidt gặp Sandberg khi cô đang công tác ở Bộ Tài chính, lúc ông điều hành tập đoàn phần mềm Novell. Sau khi Nhà Trắng đổi gió, cô đã chủ động gọi cho Schmidt, lúc đó cũng vừa chuyển sang ngôi nhà mới Google. Đáp lại thái độ thân thiện của cô gái, Schmidt lập tức trả lời: “Cô nên về làm việc cho chúng tôi”.

Lúc nhận về dưới trướng, thậm chí Schmidt còn không định hình được sẽ đưa Sandberg về bộ phận nào. Cuối cùng, nhiệm vụ mà CEO Google giao cho cô gái sở hữu bằng M.B.A là tìm kiếm những doanh nhân trẻ tài năng, cùng những ý tưởng sáng tạo thể hiện ở các sản phẩm trực tuyến. Nhờ bàn tay khéo léo của Sandberg, đội ngũ kinh doanh và hoạt động trực tuyến của Google đã phát triển từ 4 lên 4000 người, chịu trách nhiệm đảm bảo tới 2/3 doanh thu của gã khổng lồ tìm kiếm (hiện nay, vào khoảng 14 tỉ USD).

Dấu ấn của nữ “Khổng Minh”

Hướng tới những thử thách mới, Sandberg gặp Zuckerberg tháng 12-2007, chàng trai trẻ vốn cũng đang tìm kiếm một giám đốc điều hành (COO) thực tài. Sandberg cảm thấy rất ấn tượng và ngạc nhiên trước tham vọng của chàng sinh viên bỏ học, nhất là ý tưởng về một “mạch xã hội”, nơi đó, bạn bè và mọi người có thể liên lạc, làm quen. Nếu Facebook có thể sử dụng sức mạnh điện toán để giúp mọi người đến gần nhau hơn, Zuckerberg phân tích, nó sẽ trở thành trang chủ Web của tất cả các cư dân trên toàn cầu. Tuy nhiên, Zuckerberg lại không bàn về chuyện bán quảng cáo và kiếm doanh thu.

Trong khi đó, ngược lại, Sandberg cho rằng, món hời mà Facebook có thể kiếm được là bán không gian cho các đối tác khác. Cô đã tìm kiếm để hình thành một “phi đội” mới, nhằm khai thác thị trường, kiếm tiền từ dữ liệu người dùng. Câu trả lời cuối cùng chính là phương án Facebook vẫn đang tiếp tục duy trì: cho các đối tác “thuê nhà” và nhận tiền.

Dấn ấn của Sandberg có mặt ở khắp nơi, trong các kế hoạch kiếm lời của Facebook. Năm ngoái, dịch vụ này tung ra một loạt tính năng mới, như hỗ trợ quảng cáo bề rộng 250-pixel trên trang chủ, đưa ra hàng loạt trắc nghiệm hấp dẫn người dùng, hỗ trợ xem video...

Tin mừng đổ về khắp nơi, từ sự kiện cửa hàng bánh pizza Papa John trở thành địa chỉ “hot” sau khi hơn 130 ngàn người viếng thăm từ Facebook đến hợp đồng của hãng sản xuất trang phục, đồ dùng thể thao Adidas. Thậm chí, trên trang chủ của Facebook, Adidas còn nhúng một đoạn video có cảnh biểu diễn của siêu sao David Beckham để thu hút các tín đồ bóng đá.

Doanh thu bắt đầu rủng rỉnh, cộng với khoản tiền đầu tư khấm khá từ Digital Sky Technologies, một tập đoàn đến từ xứ sở bạch dương, đã giúp Facebook nghĩ tới một tương lai xa hơn.

Dự án Connect giới thiệu năm ngoái là một hướng kinh doanh mới. Connect giúp người dùng có thể chia sẻ thông tin với bạn bè từ nhiều nguồn khác nhau, giúp họ đăng nhập trên hàng loạt hệ thống khác. Đây cũng là một chiến lược tương đối tiềm năng để biến Facebook thành chìa khoá mở tất cả các cánh cửa trên mạng Internet.

Tương lai?: Tiếp tục song hàng!

Ngày nay, với tổng cộng 4 tỉ USD chi phí thông qua tất cả các mạng quảng cáo Internet toàn cầu, Sandberg và các đồng nghiệp còn rất nhiều cơ hội để phất lên cùng Facebook.

Tuy nhiên, trước mắt, theo Sandberg, chìa khoá thành công của Facebook Connect phải bắt đầu từ nỗ lực thuyết phục người dùng tin rằng, chính họ chứ không phải Facebook đang quản lí dữ liệu cá nhân: “Chúng tôi sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu với các đối tác quảng cáo. Nhưng nếu chúng tôi có thể giúp bạn đơn giản hoá trong việc chia sẻ thông tin mà có lợi cho các nhà quảng cáo, đó thật sự là một điều tuyệt vời”.

Với Facebook, người dùng không “nhập” thông tin mà chỉ “chia sẻ” chúng. Khi giới thiệu Connect, Facebook bắt đầu yêu cầu các thành viên phải click thông qua hai - ba bước để đồng ý có chuyển dữ liệu cá nhân tới đối tác của nhà cung cấp dịch vụ hay không. Một khi hệ thống quảng cáo được thiết lập, Facebook và các đối tác hoàn toàn có thể thêm vào nhiều bước hơn, nhằm thăm dò ý kiến người dùng, có cho phép Facebook lấy thông tin của họ dựa vào những gì đã đăng tải hay không. Có lẽ sẽ chắng mấy ai phản đối?

Trong khi Sandberg điều hành việc hợp tác quảng cáo với các đối tác thì Zuckerberg sẽ tiếp tục lo nâng cấp, phát triển những tính năng mới hấp dẫn người dùng hơn. Twitter, dịch vụ mini blog đang rất hút khách với 45 triệu lượt người mỗi tháng là một mối đe doạ đáng gờm. MySpace bắt đầu để Facebook cho ngửi khói về lượng người dùng, nhưng doanh thu vẫn vượt dịch vụ mạng xã hội đình đám nhất hiện nay.

Biến Facebook trở thành cỗ máy sinh lời số một sẽ là mục tiêu hàng đầu của cả Zuckerberg và Sandberg. Có lẽ mối duyên sẽ còn kéo dài...

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]