Bỏng mắt và thuốc điều trị

Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, thường bỏng hai mắt và có thể bỏng rất nặng. Tổn thương chủ yếu là kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn.

15.4828

Vệ sinh mắt cho bệnh nhân.

Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, thường bỏng hai mắt và có thể bỏng rất nặng. Tổn thương chủ yếu là kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Điều trị: Trước tiên, cần loại trừ nguyên nhân gây bỏng, sau đó dùng thuốc giảm đau, chống nhiễm khuẩn, chống dính và chống thiếu dinh dưỡng giác mạc.

Có 3 giai đoạn điều trị:

Giai đoạn cấp cứu:

Rửa mắt, rửa nhiều nước, nhiều lần, mỗi lần rửa ít nhất 15-30 phút. Dung dịch để rửa mắt là nước muối sinh lý, dung dịch ringer hoặc nước sạch sẵn có tại nơi xảy ra tai nạn.

Rửa các túi cùng, lấy hết dị vật nếu có. Mục đích rửa mắt là làm loãng chất gây bỏng và giảm độc tố chất gây bỏng. Vì vậy phải bộc lộ cùng đồ rộng bằng hai vành mi, lấy dị vật bằng panh.

Chú ý: Trường hợp bỏng vôi sống, trước khi rửa phải lấy hết vôi bám kết mạc sau đó rửa mắt.

Nhỏ thuốc: Giãn đồng tử, kháng sinh.

Cấp thuốc cho bệnh nhân tra mắt liên tục trong ngày kèm thuốc giảm đau.

Chọc tiền phòng: Được áp dụng với bỏng kiềm nặng. Chọc tiền phòng nhằm thay đổi độ pH của thủy dịch đề phòng đục thể thủy tinh thứ phát và viêm màng bồ đào, tổn thương góc tiền phòng. Sau khi chọc tiền phòng, bơm dung dịch nước muối 0,9% hoặc dung dịch ringer.

Giai đoạn 2: Điều trị phục hồi.

Chú ý đề phòng: Nhiễm trùng thứ phát, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, điều trị chủ yếu để lớp biểu mô giác mạc tái tạo tránh loét, thủng giác mạc. Sau bỏng nhiễm trùng thứ phát hay gặp, vi khuẩn gram (-) luôn luôn có mặt tại vết thương.

Dùng kháng sinh có phổ rộng, nhỏ mắt nhiều lần/ngày.

Kháng sinh uống kết hợp:

Corticosteroid: Tác dụng chống viêm màng bồ đào, dừng quá trình phát triển tân mạch vào giác mạc trong 2-3 tuần đầu sau bỏng.

Atropin 1%: Tác dụng chống viêm, chống dính. Nếu tăng nhãn áp uống acetazolamide. Giai đoạn này chủ yếu là tái tạo biểu mô giác mạc.

Chống men collagenase: Thường dùng acestylcysteine 10% trong tuần đầu bỏng. Ngoài ra còn có EDTA, calcique và pennicillamine, medroxy-progesteron có hoạt động ức chế men collagenase bởi một cơ chế không rõ ràng.

Tiêm máu tự thân: tác dụng tăng cường dinh dưỡng giác mạc.

Kính tiếp xúc: Có thể dùng sau vài tuần để bảo vệ lớp biểu mô và mô nhục, giúp lớp biểu mô tái tạo nhanh.

Hằng ngày tách dính cùng đồ và hướng dẫn bệnh nhân tập vận động nhãn cầu, không được băng mắt.

Điều trị phẫu thuật:

Ghép giác mạc trong giai đoạn bỏng còn gọi là ghép giác mạc nóng: kết quả kém vì ghép trên nền tổ chức hoại tử vô mạch.

Ghép kết mạc hoặc niêm mạc môi vùng rìa nếu kết mạc hoại tử rộng.

Ghép lớp giác mạc chỉ áp dụng khi không còn phản ứng viêm.

Ghép da khi mất tổ chức da và dưới da rộng.

Nếu tăng nhãn áp kéo dài cần mổ cắt bè.

Phủ tenon phần trước nhãn cầu chỉ định bỏng độ 4. Mục đích sử dụng hệ thống mạch máu lấy từ hốc mắt để tái thiết lập hệ thống mạch máu mới nuôi dưỡng vùng rìa và bảo vệ giác mạc khỏi hoại tử khi lớp biểu mô chưa tái tạo.

Giai đoạn 3: Điều trị di chứng.

Những di chứng thường gặp đó là: sẹo giác mạc, cạn dính cùng đồ, dính mi cầu, hở hếch mi do sẹo co kéo.

Những di chứng này thường được điều trị bằng phẫu thuật như: tách dính cùng đồ kết hợp vá kết mạc, niêm mạc miệng hoặc vá màng rau thai, ghép giác mạc, vá da tạo hình mi.

Phòng bệnh

Giáo dục ý thức phòng chống tai nạn bỏng mắt cho tất cả mọi người.

Đối với những người làm nghề có nguy cơ bỏng cao phải được trang bị đồ dùng bảo hộ lao động (kính bảo hộ) và chấp hành tốt các nội quy quy định về an toàn lao động.

Cải thiện điều kiện làm việc: nơi làm việc phải thoáng khí, đủ ánh sáng, đủ rộng, không quá chật chội.

Tổ chức tuyển sơ cứu, cấp cứu và xử trí tốt từ cơ sở lên đến tuyến trên. Cần phải chẩn đoán, xử trí kịp thơi trong giai đoạn cấp cứu.

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]