Bớt sắc tố điều trị như thế nào?

Dân gian thường gọi bớt sắc tố là vết chàm (màu xanh lơ), vết đen, vết chó vá, thánh đóng dấu...

15.5799
Có nhiều cách loại bỏ chúng, chẳng hạn lột da bằng acid, ghép da, đốt bằng laser CO2...
Căn nguyên gây bớt sắc tố hiện vẫn chưa rõ ràng. Bệnh chủ yếu gặp ở người da vàng châu Á, tỷ lệ nữ là 80-85%. Bệnh thường xuất hiện từ lúc lọt lòng và lớn dần theo năm tháng. Bớt có thể tăng kích thước nhưng rất chậm, tới mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ dừng lại và cố định lâu dài. Kích thước bớt có thể lớn bằng bàn tay hoặc các đám nhỏ bằng đầu đinh ghim, hạt ngô. Vị trí thường ở một bên mặt, quanh mắt, đôi khi cả hai bên mặt hoặc ở các vị trí khác của cơ thể như vai, ngực, cổ, lưng. Hình ảnh của bệnh là các dát phẳng hoặc gờ cao trên mặt da, màu đen, xanh hoặc tối màu. Màu sắc thường cố định. Trên một số bớt có thể có lông mọc. Triệu chứng cơ năng thường không có gì, tuy nhiên đôi khi bệnh nhân có cảm giác ngứa, khó chịu.

 

Bớt sắc tố thuộc vào nhóm bệnh tăng sắc tố ở da. Nhóm tổn thương này thường được chia làm 3 loại. Tổn thương ở thượng bì gồm: nốt ruồi, dát cà phê sữa, tàn nhang, nám má thể thượng bì, hạt cơm da dầu, dày sừng do ánh nắng... Tổn thương ở trung bì gồm bớt xanh, bớt ota, bớt ito, xăm mình... Tổn thương tăng sắc tố hỗn hợp có cả ở trung bì và thượng bì như bớt becker, tăng sắc tố sau viêm, nám má thể trung bì.

Bớt sắc tố bẩm sinh là những biến đổi, rối loạn tại chỗ của tế bào sắc tố da, sự tăng sinh quá mức của tế bào sắc tố, xâm lấn sâu xuống trung bì. Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên cũng đã có trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của bớt sắc tố bẩm sinh. Điều ảnh hưởng nặng nề nhất là mặt thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội.

Với bớt sắc tố có kích thước nhỏ và ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương thì có thể không cần can thiệp. Đối với các bớt có kích thước lớn ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì cần được thăm khám và xử lý. Biện pháp điều trị tổn thương tăng sắc tố ở thượng bì và trung bì gồm: sử dụng tuyết carbon, lột da bằng acid trichloraxetic, ghép da, đốt bằng laser CO2, vá da sau phẫu thuật cắt bỏ.

Đối với các tổn thương có kích thước lớn và ở các vị trí khó phẫu thuật như vùng mắt, mũi thì phương pháp phẫu thuật khó thực hiện. Phương pháp vá da thường có màu sắc không giống với vùng da xung quanh nên cũng không đem lại kết quả như mong đợi.

10 năm trở lại đây, chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ trên thế giới đã sử dụng công nghệ điều trị bớt sắc tố bằng laser Q-Switched ND YAG. Phương pháp này cũng đã được ứng dụng điều trị ở Việt Nam. Bác sĩ dùng các chùm laser có bước sóng 1.064 nm (nanômet) và 532 nm trong thời gian 6-8 phần tỷ giây với năng lượng rất cao. Ở hai bước sóng này, các hạt sắc tố melanin, mực xăm có trong tế bào sắc tố bị phá vỡ ra hàng nghìn mảnh nhỏ. Các đại thực bào sẽ đến dọn sạch các mảnh này vào máu và thải ra ngoài theo cơ chế lọc tự nhiên. Ngoài khả năng điều trị khỏi dứt điểm bớt sắc tố bẩm sinh, phương pháp này còn có ưu điểm là không để lại sẹo.

AloBacsi.vn
Theo ThS. Lê Anh Tuấn
Sức khỏe & đời sống


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]