Bú sữa mẹ bị... vàng da

TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Khám thai, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, vàng da do bú mẹ có thể kéo dài 10 - 21 ngày, có trường hợp lên tới 2 - 3 tháng. Phần lớn các bé bị vàng da do sữa mẹ là bình thường, người mẹ không nên quá lo lắng.

15.5668

Tuy nhiên, nếu bé bỏ bú, quấy khóc, vàng da ngày càng sậm màu... thì nên đưa bé đi khám. Vàng da do bú mẹ có thể do bé không bú đủ.

Chiếu đèn điều trị vàng da tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.

Tình trạng tăng bilirubin (liên quan đến vàng da) có thể do bé không nhận đủ sữa mẹ. Nguyên nhân là vì mẹ phải điều trị trong bệnh viện (hạn chế cho con bú) hoặc do bé bú mẹ không đúng cách. Khi không đủ sữa, tần suất đi tiểu sẽ giảm, hàm lượng bilirubin bị hấp thụ ngược vào máu thay vì được đào thải ra ngoài.

Để khắc phục điều này, sản phụ nên cho bé bú mẹ sớm và đúng cách. Cũng không nên vì chuyện này mà ngừng cho bé bú mẹ, chuyển qua bú bình. Nếu nhận đủ sữa mẹ, khả năng đào thải bilirubin sẽ diễn ra nhanh chóng.

Sau khi sinh phải cho bé bú mẹ sớm và thường xuyên. Sữa non có tác dụng nhuận tràng, khiến bé đi tiêu thường xuyên nên hạ thấp được hàm lượng bilirubin. Không nên cho bé sơ sinh uống thêm nước lọc. Chỉ khoảng 2% lượng bilirubin được đào thải qua nước tiểu, 98% được đào thải qua phân. Sữa non, sữa mẹ chứa nhiều chất béo, có tác dụng kích thích đi tiêu đều đặn.

Nên cho bé bú theo từng cữ liên tục, khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ một cữ, cho dù đó là ban ngày hay ban đêm. Có thể chọn cách vắt sữa mẹ bằng tay hoặc bằng máy để việc cho bé bú mẹ không bị gián đoạn. Nhiều bé thích ngủ và tỏ ra khá lười biếng khi "ti" mẹ.

Khi ấy, giải pháp vắt sữa mẹ vào bình rồi cho bé uống vừa kích thích mẹ tiết sữa đều vừa khiến bé bú đủ. Bên cạnh đó, sản phụ cũng nên lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của mình, vì nếu mẹ ăn nhiều cà rốt, các loại quả thuộc họ cam, quýt thì bé bú mẹ cũng có nguy cơ bị vàng da theo.

Để điều trị vàng da, đầu tiên là cho bé tắm nắng. Nới lỏng quần áo, đặt bé ở nơi nhận được nhiều ánh nắng buổi sáng trong phòng. Mắt và vùng kín của bé khá nhạy cảm nên tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp vào hai bộ phận trên.

Một số ít bé, bác sĩ phải chỉ định ngưng bú mẹ tạm thời (chuyển qua dùng sữa công thức) để khắc phục chứng vàng da. Điều này lý giải vì sao, nhóm bé bú bình hiếm khi bị vàng da trong những tuần đầu sau khi chào đời.

Ngoài ra, vàng da có thể liên quan đến yếu tố bệnh lý ở bé. Nhiễm trùng đường tiểu, suy giảm chức năng tuyến giáp và một số bệnh khác có thể gây nên tình trạng vàng da.

Trường hợp này, bé cần được thăm khám và điều trị trực tiếp của bác sĩ. Các chuyên gia khuyên các sản phụ khi sinh con cho con bú mẹ chú ý những nguyên nhân có thể gây vàng da và cách dự phòng. Nếu bé bỏ bú quấy khóc và vàng da ngày càng tăng thì  cần đưa đến bác sĩ khám ngay.

Theo PhuNuOnline

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]