Bữa ăn phụ, nên ăn thế nào?

Thường cứ khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ, cơ thể cần bổ sung năng lượng từ thực phẩm, nước uống để tránh hạ đường huyết và duy trì hoạt động cho não và cơ bắp.

15.5976

Buổi sáng làm việc dài cần có bữa ăn phụ giữa giờ. Nếu ăn tối trễ thì có thể ăn nhẹ vào buổi chiều. Ăn khuya cần cho người thức đêm.

Các bữa ăn phụ thường được thiết kế vào khoảng 9g30 sáng, 3 - 4 giờ chiều, 8 - 9 giờ tối, hoặc giữa ca nếu làm ca đêm. Bữa ăn chính thường yêu cầu có đủ 4 nhóm thực phẩm với bột đường, đạm, béo, rau quả và cần đủ khoảng 25 - 30% tổng năng lượng trong ngày.

Bữa phụ thì chỉ cần cung cấp mức năng lượng thấp, khoảng 10 - 15% và không cần đủ 4 nhóm thực phẩm. Chất đường trong bữa ăn phụ là quan trọng để chống hạ đường huyết và tiếp tục cung cấp "thức ăn chính" cho não và cơ bắp.

Các thực phẩm thông thường có thể dùng làm bữa phụ như sữa, sữa chua, phô mai, bánh flan, bánh mì ngọt, bánh bông lan, bánh qui, bắp, khoai lang, khoai mì, chuối, đậu phộng luộc, mía, ly sinh tố hay trái cây...

Bữa ăn phụ đặc biệt cần thiết cho người gầy muốn lên cân hay giữ cân nặng.

Ăn khuya với lượng calo cao thường xuyên sẽ là nguy cơ của chứng béo bụng. Người thừa cân, béo phì, người không muốn lên cân nếu thấy đói cồn cào, không ngủ được thì hãy ăn một tô canh rau, canh đậu hũ nấu thịt nạc, dĩa đậu que luộc chấm nước tương, ly sữa không đường, ít béo, củ đậu, trái cây ít ngọt như thanh long, bưởi, táo, mận, ổi, lê,...

Ăn khuya quá no sẽ gây buồn ngủ, hoặc nếu đi ngủ liền thì gây tức bụng ,khó chịu. Lúc đó hãy uống nước lọc và đi ngủ sớm để chống lên cân.

Một yếu tố quan trọng để biết mình có cần bữa ăn phụ hay không và bữa phụ thế nào là phù hợp thì phải theo dõi cân nặng. Bữa phụ cần thiết để nạp năng lượng cho cơ thể hoạt động tốt nhưng không nên là thói quen dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh lý mãn tính không lây.

AloBacsi.vn
Theo BS-CK1. Đào Thị Yến Thủy - DNSG


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]