Cá mè: Thuốc bổ não, thuận phế

Cá mè có nhiều loài, nhưng chỉ có cá mè hoa (Aristichthys nobilis Richadson) và cá mè trắng (Hypophthalmichthys molitrix Sauvage) là phổ biến hơn cả.

15.6182

Cá mè hoa.

Đây là loài cá nước ngọt. Cá mè hoa có những đốm đen lỗ chỗ như hoa, lưng màu xám đen. Cá mè trắng có lưng màu xám xanh.

Cá mè được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên thuốc là phường ngư, có vị ngọt, tính ấm, không độc, trơn nhầy, có tác dụng bổ não, tủy, nhuận phế, ích tỳ vị.

Thịt cá mè ngon và béo. Người cao tuổi ăn cá mè đều đặn chống được chứng đau đầu, giảm trí nhớ, ho đờm, hen suyễn. Sách thuốc cổ ghi thịt cá mè trắng có tác dụng khai vị, hạ khí, điều hòa 5 tạng, chống hư huyết mạch, bổ gan, sáng mắt.

Ở Trung Quốc, người ta dùng cá mè dưới dạng thức ăn - vị thuốc để phục hồi sức khỏe cho những người bị suy nhược, sốt rét, chán ăn theo cách chế biến sau: Cá mè tươi 300g, đánh vảy, rửa sạch bỏ đầu và xương, thái lát mỏng, nấu với khởi tử 30g, ít giá đỗ xanh, gừng tươi, lá khủ khởi, rau mùi, rau cần, hành, hồ tiêu, muối. Ăn trong ngày.

Chú ý: Người đang có mụn nhọt, lở loét, kiêng ăn thịt cá mè. Tuyệt đối không ăn gỏi cá mè hoặc cá mè nấu chưa chín kỹ vì người ta đã nghiên cứu thấy cá mè là loại cá có tỷ lệ mang ấu trùng sán lá gan cao nhất, khoảng 92%.

Mật cá mè chứa sterol tương tự như sterol trong mật cá trắm, cá chép. Khi bị viêm tai có mủ, lấy nước mật nhỏ vào tai ngày vài lần.

Mỡ cá mè rán chảy, dùng bôi chữa bỏng.

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]