Các bước dạy con đi xe đạp

Đi xe đạp không chỉ là một môn thể thao tốt cho sức khỏe mà còn là một trong những kĩ năng cơ bản bé cần phải có. Hãy bắt đầu cho con khi bé bắt đầu tuổi lên ba.

15.6046

Làm quen với xe đạp 3 bánh khi bé còn nhỏ

Cha mẹ có thể mua cho con xe đạp 3 bánh khi con khoảng 3 tuổi. Giúp bé làm quen với sự di chuyển trên một phương tiện và tăng cường tính vận động và linh hoạt cho bé.

Bắt đầu bằng việc đi lại trong ngôi nhà, sau đó quanh khu vườn rồi đến công viên. Như vậy, bé sẽ quen dần với chiếc xe đạp và môi trường bên ngoài.

Nên cho bé làm quen với xe 3 bánh khi bé lên 3 tuổi. Ảnh minh họa

Gỡ bỏ các bánh xe phía sau

Điều này thường khiến cha mẹ lo lắng vì sợ các bé không thể giữ thăng bằng và bị ngã. Hãy thử gỡ bỏ và giữ xe tập cho bé đi chỉ trong phạm vi hành lang của ngôi nhà sau khi cha mẹ đã cất gọn những vật dụng cản lối đi.

Tất nhiên bé sẽ không thể tránh khỏi sự chán nản hay mệt mỏi, nhưng hãy ở bên cạnh và khích lệ bé cùng cố gắng. Mọi thứ bao giờ cũng khó khăn khi bắt đầu mà.

Điều chỉnh yên xe

Điều chỉnh yên xe cho phù hợp với tư thế của bé, trước hết yên càng thấp càng tốt. Dù đã gỡ các bánh xe phía sau nhưng các bé sẽ không quá sợ hãi nếu vẫn có thể chống được chân xuống đất và có thể không bị ngã nếu mất thăng bằng trên chiếc xe.

Giữ xe cho con tập đi trên đường dài

Sau khi bé quen dần với việc dùng bàn đạp, cha mẹ hãy điều chỉnh yên xe theo đúng độ cao bình thường và bắt đầu cho bé tập đi trên những con đường dài. Để giúp bé tăng khả năng giữ thăng bằng, cha mẹ hãy giữ đuôi xe hoặc đứng bên cạnh điều khiển tay lái cho bé theo những vòng quay bàn đạp của bé.

Để con tự đạp xe

Tặng cho bé một chiếc xe đạp mới khi bé đã vững tay lái nhưng cha mẹ vẫn phải tiếp tục quan sát và dõi theo bé khi bé tự kiểm soát chiếc xe của mình. Hãy ghi nhận những bước tiến bộ của bé và thường xuyên động viên bé mỗi khi bé sợ hãi vì gặp phải chấn thương.

Hãy nói với bé rằng chấn thương là điều không thể tránh khỏi và hồi bằng tuổi con, cha mẹ cũng bị vấp ngã rất nhiều, nhưng quan trọng là phải có bản lĩnh đứng dậy và không được cảm thấy nản lòng hay mất ý chí.

Cha mẹ vẫn phải liên tục quan sát và dõi theo bé khi bé tự kiểm soát chiếc xe của mình. Ảnh minh họa

Chú ý

Hệ thống phanh: Rất nhiều bậc phụ huynh không để ý đến hệ thống phanh trong khi các bé luôn muốn tăng tốc độ đi xe đạp. Phanh chính là cách để giúp các bé giảm tốc độ và cha mẹ nên thận trọng khi dạy bé điều này. Đầu tiên, bé cần phải đạp ngược bàn đạp vài vòng trước khi muốn dừng lại. Nếu phanh quá gấp, bé sẽ mất kiểm soát và bị ngã.

Cha mẹ đừng quên dạy bé sử dụng hệ thống phanh trên tay lái, tốt nhất dặn bé chỉ nên sử dụng phanh sau, bởi khi bé phanh gấp bằng phanh trước, đặc biệt trên các con đường dốc, chiếc xe có thể bị lộn ngược. Điều này rất nguy hiểm vì bé sẽ bị tổn thương nghiêm trọng đến khuôn mặt.

Các vật dụng bảo hiểm: Đừng quên mua đầy đủ các vật dụng bảo hiểm cho bé, từ mũ bảo hiểm đến các băng bảo hiểm khuỷu tay, đầu gối. Chắc chắn bé sẽ thích các vật dụng đáng yêu ấy và hơn thế nữa, các vật dụng ấy sẽ giúp bảo vệ bé tránh khỏi các chấn thương nghiêm trọng.

Theo Minh Trang - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]