Bên cạnh Càu Ông Lãnh là khu chợ Cầu Muối tấp nập giới thương hồ tới buôn bán khắp nơi từ Đồng bằng Sông Cửu Long cho tới tận xứ Cao Miên. Điều thú vị hơn cả là cái tên cầu Ông Lãnh vẫn còn là đang được tranh cãi vì hiện giờ có 2 lý giải được mọi người thích thú nhất.

Lý giải thứ nhất

Mặc dù Nguyễn Trường Tộ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt Lãnh sự quán trên đất Nam kỳ tại Gia Định từ năm 1866, vua Tự Đức vẫn một mực bác bỏ. Mãi cho đến khi Pháp chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh thì nhà vua mới hiểu được tầm quan trọng của Lãnh sự quán tại thành Gia Định. Hòa ước Giáp Tuất 1874 cũng chính là một bước tiến trong lĩnh vực ngoại giao của Triều đình Huế. Với tài ăn nói, sự lịch thiệp, tính quãng giao và khả năng nói tiếng Pháp lưu loát, Nguyễn Thành Ý được phong làm Khâm phái kiêm Lãnh sự ở Gia Định, hàm Hồng lô tự khanh vào tháng 11 năm 1874; phó là ông Phan Kiêm Ích. Dinh lãnh sự đặt gần khu vực Cầu Ông Lãnh ngày nay (góc Đề Thám và Trần Hưng Đạo).

Tương truyền, ông Nguyễn Thành Ý hay đi xe song mã dọc con đường bên bờ chợ Cầu Muối (bến Chương Dương) để ký giấy cho phép các thương nhân nhập cảnh muối từ Gia Định vào Trung phần và Bắc phần (khi ấy miền Nam đã trở thành xứ thuộc địa của Pháp). Có lẽ vì thế mà người ta gọi cây cầu này là Ông Lãnh. Với tài năng và sự khéo léo của mình, ông được Triều đình tin cậy và khiến Pháp nể sợ.

Cả một đời sống thanh bạch, ông bất mãn với thời cuộc nhưng phần vì còn nợ hoàng ân nên ông vẫn phải tiếp tục làm việc dù có đôi lần bị thất sủng có khi còn suýt bị khép vào tội khi quân vì can ngăn vua. Ông về hưu khi ngoài 70 và được phong tước Phụ đạo Đại thần Hiệp Biện Đại học sĩ. Ông qua đời năm 77 tuổi, an táng tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Hiện nay, tên ông được đặt cho một con đường ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Quang cảnh Cầu Ông Lãnh khi xưa (Ảnh: Sưu tầm)

Lý giải thứ hai

Đây là lý giải của học giả Trương Vĩnh Ký và được nhiều người chấp nhận hơn cả. Lãnh Binh Thăng tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng, là một võ tướng thời nhà Nguyễn, thuộc thế hệ đầu tiên kháng chiến chống Pháp.

Sau năm tháng bị cầm chân tại cửa biển Đà Nẵng, quân Pháp quyết định đem 2/3 lực lượng tiến đánh thành Gia Định. Ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp tấn công Gia Định. Nhận được tin đó, Lãnh Binh Thăng đem quân từ Thủ Thiêm tới cứu viện nhưng thành đã thất thủ, Hộ đốc trấn giữ thành là Võ Duy Ninh và án sát Lê Từ tuẫn tiết. Nghe tin đó, triều đình Huế sai Tôn Thất Hiệp dẫn 1500 quân vào đóng ở Biên Hòa còn Lãnh Binh Thăng vẫn trấn giữ ở vùng Chùa Cây Mai (nay là Doanh trại quân đội Việt Nam nằm ở góc Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ, khu vực Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây ông cho củng cố đồn lũy, thời gian này ông cho xây một cây cầu gỗ bắc qua kinh Bến Nghé, sau này Pháp cho xây lại bằng cầu xi măng dài 120m.

Tuy nhiên với hỏa lực mạnh, Pháp đã giành trọn ưu thế và buộc triều Nguyễn phải ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) cắt hết 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và đảo Côn Lôn cho mình và bắt triều đình phải xuống chiếu dụ gọi bãi binh. Bất mãn, Lãnh Binh Thăng rút quân về Gò Công, theo phò Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định. Ông chiến đấu anh dũng cho đến tận ngày hy sinh ngày 27 tháng 6 năm 1866. Mộ của ông hiện nay đang được an táng tại quê nhà thuộc huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Đình Nhơn Hòa tại đường Cô Bắc gần đó và đình làng Mỹ Thạnh tại quê nhà đều thờ ông. Khi nghe tin ông tử trận, vua Tự Đức sắc phong áo, mão và một thanh gươm nhưng do biến cố chiến tranh hiện nay những di vật được đặt tại đình thờ đã bị hư hỏng và thất lạc.


Hình ảnh xưa về cầu Ông Lãnh (Ảnh:Sưu tầm)

Dù lý giải thế nào đi nữa thì cầu Ông Lãnh vẫn là sự kính trọng của người dân thành Gia Định xưa đối với những vị quan thanh liêm hết lòng vì dân vì nước mà hy sinh thân mình. Hiện tại, cây cầu vẫn là nằm vắt ngang trên kinh Bến Nghé, nối liền đôi bờ, giúp giao thông được thông suốt từ quận 1 tới quận 4 của thành phố mang tên Bác.

Hoàng Việt