Các phương pháp loại bỏ trầm cảm

Trầm cảm là căn bệnh dễ mắc nhưng khó điều trị. Điều trị trầm cảm ngoài việc dùng thuốc phải kết hợp nhiều phương pháp như thay đổi thói quen sống, chế độ ăn, chế độ tập luyện… mới hiệu quả. Dưới đây là những phương pháp điều trị trầm cảm hữu hiệu.

0

Thực phẩm mang lại cảm giác hạnh phúc

Khi bị trầm cảm, mọi người có xu hướng ăn nhiều hoặc bỏ ăn. Ăn uống hợp lý trong lúc này chính là một cách để vượt qua trầm cảm. Hãy thử các loại hạt, quả mọng, sôcôla đen, cà chua, rau chân vịt, dừa, mật ong, ngũ cốc nguyên hạt v.v… để cải thiện tâm trạng bạn. Những loại thực phẩm này có thể làm tăng lượng endorphin khiến bạn hạnh phúc.

Cai thuốc lá

Một nghiên cứu năm 2008 khảo sát 3.000 người cho thấy trong khi những người hút thuốc có 6,6% nguy cơ phát bệnh trầm cảm thì những người không hút thuốc chỉ có 2,9% nguy cơ. 30% số người hút thuốc có một vài triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Theo một khảo sát thì khoảng 70% nam giới và 80% nữ giới nghiện thuốc lá thường xuyên bị trầm cảm.

Gốc rễ của vấn đề nằm ở nicotin. Hoạt động như một chất kích thích, nó ảnh hưởng tới sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh trong não, hậu quả là não trở nên nghiện thuốc và nó không hoạt động bình thường được lâu nếu thiếu thuốc. Sau 20-30 phút hút điếu thuốc cuối cùng, quá trình cai nicotin bắt đầu và điều này dẫn tới lo âu - vốn liên quan chặt chẽ với trầm cảm.

Tập luyện

Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người tập luyện 1,5-2 giờ mỗi tuần đã giảm nhẹ điểm số trầm cảm – điểm số liên quan tới giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do các bệnh về tim.

Tránh đồ ăn “vô bổ”

Nghiên cứu cho thấy những người có chế độ ăn gồm các thực phẩm chiên, thịt chế biến sẵn, các món tráng miệng và sữa nhiều chất béo có khả năng cao có các dấu hiệu trầm cảm. Bên cạnh việc mang đến bệnh trầm cảm, đồ ăn vặt vô bổ cũng có thể khiến bạn dễ bị kích động và hung hăng. Nhưng không có nghĩa bạn cần loại bỏ hoàn toàn đồ ăn vặt. Những tác hại xấu sẽ xảy ra khi bạn ăn quá nhiều. Bạn nên duy trì ở mức vừa phải và có sự kiểm soát khẩu phần nghiêm ngặt cùng với một kế hoạch ăn uống lành mạnh.

Tránh thức khuya và xem TV muộn

Theo các nhà khoa học Mỹ, ngồi trước máy tính và màn hình TV trong đêm muộn hoặc vẫn bật TV khi chìm vào giấc ngủ có thể tăng nguy cơ bị trầm cảm.

Tin tốt là những người xem TV và làm việc máy tính muộn có thể giảm thiểu những ảnh hưởng có hại bằng cách đi lại thường xuyên và hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh sáng xanh ban đêm.

Tận hưởng không khí bên ngoài

Bạn muốn tăng cảm giác hạnh phúc thì cần đảm bảo lượng serotonin là bình thường và ánh sáng mặt trời sẽ giúp thực hiện điều này. Nếu đang cảm thấy chán nản, hãy ra bên ngoài hít thở không khí trong lành.

Tiếp xúc với những người lạc quan

Việc tự cô lập mình có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn nhiều. Hãy cởi mở với những người lạc quan, đầy sức sống, họ sẽ tiếp sức khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Bạn có thể tham gia câu lạc bộ hoặc các nhóm có cùng sở thích.

Kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực

Trầm cảm có thể đẩy bạn tới một thế giới đầy rẫy tiêu cực. Thật khó để loại bỏ nó nhưng hãy cố gắng thay thế cảm xúc tiêu cực bằng những suy nghĩ cân bằng hơn, điều này có thể khiến bạn thấy hạnh phúc. Được ở trong vòng tay của những người tin cậy, những thói quen tốt và môi trường sạch sẽ là điều kỳ diệu giúp bạn đạt được điều này.

Tránh nghe những bài hát buồn

Người bị trầm cảm thường thích nghe những bài hát buồn. Nhưng hãy tránh thể loại nhạc này vì nó khiến bạn khó có thể quên được những chuyện không vui xảy ra với mình. Khi đang buồn, chúng ta không thích giai điệu mà có xu hướng đánh giá lời bài hát, nhất là những bài hát khiến chúng ta so sánh với cuộc sống của mình. Nước mắt có thể sẽ tuôn rơi. Hãy nghe bài hát vui vẻ, bạn sẽ nhìn mọi thứ tích cực hơn.

Tránh rượu và ma túy

Bạn có thể bị “lôi kéo” uống rượu và dùng ma túy để thoát khỏi đau khổ. Nhưng bạn cần biết điều này: tất cả các “liều thuốc giảm đau” do lạm dụng rượu và ma túy chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn nhưng có thể để lại những hậu quả lâu dài, vì rượu sẽ chỉ khiến tình trạng tồi tệ hơn. Rượu có thể làm tăng ý nghĩ tự tử và khiến bạn trở thành “nghiện rượu” trong cuộc sống sau này.

BS Tuyết Mai

Theo Timesofindia

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]