Các virut gây viêm gan và cách phòng ngừa

SKĐS - Viêm gan do virut là bệnh gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Kiến thức phòng bệnh của người dân về các căn bệnh này vẫn còn manh nha và sơ sài.

0

Viêm gan do virut là bệnh gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Kiến thức phòng bệnh của người dân về các căn bệnh này vẫn còn manh nha và sơ sài. Củng cố hiểu biết các chứng bệnh viêm gan do virut và cách phòng tránh là việc ai cũng nên làm.

Phân biệt các loại virut viêm gan và đường lây nhiễm

Virut viêm gan có 5 loại gây bệnh chính, đó là virut A, B, C, D và E. Các loại virut này gây bệnh cho mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, khả năng lây không có giới hạn.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B cho trẻ. Ảnh: TM

Virut viêm gan A (HAV): Đường lây truyền virut viêm gan A thường do nguồn nước và thực phẩm bị nhiễm HAV (những người nhiễm HAV trong phân họ có HAV). Quan hệ tình dục không bảo vệ cũng có thể lây truyền HAV. Bệnh viêm gan HAV thường nhẹ, sau đó hoàn toàn bình thường và có miễn dịch với loại virut này. Tuy vậy, một số ít có thể bị bệnh nặng, ảnh hưởng tới tính mạng. Đã có vắc-xin tiêm phòng viêm gan virut A.

Virut viêm gan B (HBV): HBV là loại virut duy nhất có cấu trúc AND có khả năng lây truyền chủ yếu qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Khả năng lây lan của HBV mạnh gấp 100 lần HIV. Vì vậy, chỉ cần một xây xát nhỏ trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với máu người nhiễm virut (kim tiêm, kim châm cứu, dụng cụ y tế, cắt móng tay, bàn chải đánh răng...) cũng là lối vào rất thuận lợi cho mầm bệnh. Đã có vắc-xin tiêm phòng viêm gan virut B an toàn, hiệu quả.

Virut viêm gan C (HCV): HCV lây truyền từ người mang virut sang cho người lành theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh. Tuy vậy, nguy cơ lây nhiễm theo đường tình dục hiếm hơn bệnh viêm gan B. Hiện tượng mẹ truyền virut viêm gan C cho con đã có ghi nhận nhưng tỷ lệ cũng thấp. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm virut viêm gan C chủ yếu theo đường máu (người nhận máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi C; dùng chung kim tiêm nhiễm siêu vi C; nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh phẩm có chứa HCV, một số nguyên nhân khác như châm cứu, bấm lỗ tai, xăm mình mà các dụng cụ hành nghề không tuyệt đối vô khuẩn). Ngoài ra, có một tỷ lệ khoảng từ 30 - 40% trường hợp bị nhiễm HCV nhưng không rõ nguyên nhân lây nhiễm. Hiện chưa có vắc-xin tiêm phòng viêm gan virut C.

Viêm gan virut D (HDV): Nhiễm HDV chỉ xảy ra với người đã nhiễm HBV. Việc nhiễm cả 2 virut này sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Vắc-xin tiêm phòng HBV có tác dụng phòng cho cả HDV.

Viêm gan virut E (HEV): Đường lây truyền cũng giống HAV. Đã có vắc-xin tiêm phòng HEV nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.

Nhiễm virut viêm gan có trở thành bệnh mạn tính?

Trong các loại virut trên có HBV và HCV là đáng ngại hơn cả. Bệnh viêm gan do siêu vi B và C là hai loại bệnh phổ biến và nguy hiểm được coi như “sát thủ” thầm lặng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu sau 6 tháng không đào thải được virut, 85% trường hợp nhiễm HCV sẽ chuyển thành viêm gan C mạn tính ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu bệnh nhân được tầm soát, phát hiện, điều trị sớm và đúng cách thì nguy cơ này sẽ giảm mạnh. Điều nguy hiểm nhất đối với người bệnh là sự tiến triển rất thầm lặng từ 10 - 30 năm, vì thế bệnh nhân thường không phát hiện và điều trị kịp thời. Viêm gan virut C là bệnh có thể chữa được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thuốc và đúng cách. Do bệnh này chưa có vắc-xin chủng ngừa nên phòng bệnh cần được lưu ý hơn cả.

Mặc dù tỷ lệ người mang virut viêm gan B (HBV) trong dân số khá cao, tuy nhiên không phải ai nhiễm HBV cũng đều trở thành người bệnh. Điều này còn tùy thuộc vào khả năng tự bảo vệ của từng cơ thể. Có nhiều người đã chung sống với HBV cả đời nhưng không hề bị viêm gan. Đa số người bị nhiễm HBV đều không biết là mình bị nhiễm và có thể vô tình lây sang người khác. HBV tấn công gan “thầm lặng” trong nhiều năm mà bệnh nhân không hề hay biết. Khi bệnh nhân cảm thấy các vấn đề về sức khỏe cần đi khám thì bệnh thường đã vào giai đoạn có biến chứng xơ gan, ung thư gan. Ngoài các biểu hiện lâm sàng dễ nhận thấy (đau, sốt, vàng da), việc chẩn đoán bệnh chủ yếu phải căn cứ vào các xét nghiệm huyết thanh.

Cần làm gì để phòng bệnh?

Để phòng ngừa các bệnh viêm gan do virut trước tiên cần kiểm soát đường lây nhiễm. Cần tiêm phòng vắc-xin viêm gan đầy đủ và sớm nhất có thể là việc làm hết sức cần thiết. Trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Nhưng với thanh thiếu niên và người lớn cần xét nghiệm máu xem đã bị nhiễm viêm gan B chưa. Nếu chưa bị mà cơ thể chưa có kháng thể thì cần tiêm phòng ngay để bảo vệ cho bản thân mình.

Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp người bị nhiễm virut viêm gan tăng cường khả năng kiểm soát được bệnh của mình. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế ăn muối, chất ngọt và chất béo, không hút thuốc lá, uống rượu bia và ăn các thực phẩm sinh lạnh. Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, thuốc giảm đau - chống viêm...

Các biện pháp dự phòng không dùng thuốc

Bệnh viêm gan siêu vi B, C và D: Không dùng chung bơm kim tiêm và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo... với người khác. Không dùng chung kim xăm mình, môi, lông mày với người khác. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

Bệnh viêm gan siêu vi A và E: Nấu chín thức ăn và ăn khi còn nóng. Không ăn những thực phẩm còn sống, tái như gỏi cá sống, tiết canh... Uống nước đun sôi để nguội. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho em bé, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Rửa rau và trái cây bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy.

BS. Nguyễn Văn Thọ

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]