Cách chăm sóc “ trái tim thứ hai”

SKĐS - Y học hiện đại gọi bàn chân là “trái tim thứ hai”. Ðôi bàn chân tuy nằm ở vị trí thấp nhất trong cơ thể, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

15.6009

Y học hiện đại gọi bàn chân là “trái tim thứ hai”. Ðôi bàn chân tuy nằm ở vị trí thấp nhất trong cơ thể, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Về phương diện sức khỏe, đôi bàn chân có tác động trực tiếp tới sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người.

Y học cổ truyền phương Đông cho rằng, bàn chân có mối liên hệ trực tiếp, chặt chẽ với những tạng phủ quan trọng trong cơ thể như thận, tỳ, can, vị, bàng quang... thông qua các đường kinh, đường lạc phân bố dày đặc ở bàn chân. Không chỉ như vậy, dưới bàn chân có hơn 60 huyệt vị.

Để tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, người xưa đã nhấn mạnh tới việc giữ ấm chân, nhất là ở người già, để cho khí huyết luôn được lưu thông, không bị ứ lại. Để chống mệt mỏi, phòng và chữa cảm cúm và một số chứng bệnh khác, từ xa xưa, y học cổ truyền đã có phương pháp ngâm chân. Ngâm chân nước ấm với dược liệu không những có tác dụng giảm mệt mỏi, đau nhức, mà còn có hiệu quả trị một số bệnh mạn tính, khó chữa. Đặc biệt có tác dụng cải thiện tuần hoàn não, hệ thần kinh thực vật và hệ thống miễn dịch.

Vậy ngâm chân thế nào để hiệu quả?

Ngoài yêu cầu về nhiệt độ và thời gian, để nâng cao hiệu quả của phương pháp ngâm chân, tùy theo tình trạng sức khỏe, bệnh tật của từng người cũng như nhiệt độ thời tiết từng mùa, có thể cho thêm vào nước ngâm chân một chút muối ăn hoặc một số dược liệu có sẵn dễ kiếm quanh nhà, trong vườn; đã được vò nát, rửa sạch như: lá ngải cứu, lá bưởi, lá sả, lá lốt, lá tre, lá cúc tần, gừng...

Khi ngâm chân, nhiệt độ tốt nhất từ 40 - 50oC, cảm thấy ấm là được, vừa ngâm chân vừa thêm nước nóng để giữ nhiệt. Ngâm chân an toàn và hiệu quả nhất, nên ngâm 10 phút ở nhiệt độ 42oC, 15 phút ở nhiệt độ 40oC và có thể kéo dài tới 20 - 25 phút ở nhiệt độ 38oC.

Ngâm xong dùng tay massage hai chân, mu bàn chân trước, lòng bàn chân sau, động tác phải nhẹ nhàng, liên tục, làm như vậy có tác dụng làm giãn nở mạch máu, giúp máu lưu thông tốt, đầu mút thần kinh hưng phấn, tuần hoàn máu tăng nhanh, không chỉ bảo vệ được sức khỏe mà còn có tác dụng chữa đau đầu, mất ngủ, nằm mơ và các trạng thái thần kinh xấu khác.

Thông thường, nên ngâm chân sau ăn 1 giờ. Người già, trẻ em và người ốm khi ngâm chân nên có người khác ở bên cạnh. Khi ngâm chân xong, dùng khăn khô lau sạch hai bàn chân và chú ý tránh gió, trong quá trình ngâm chân, nếu cảm thấy người khó chịu phải nhanh chóng kết thúc ngay.

Con người ta từ lúc biết đứng đến lúc biết đi, đôi chân âm thầm, lặng lẽ nâng đỡ cơ thể, gánh chịu sức nặng của cơ thể, đồng thời nó còn đóng vai trò quan trọng về sức khỏe. Nếu bạn giữ đôi chân tốt có nghĩa là bạn giữ được sức khỏe của mình.

BS. Trần Mạnh Tâm

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]