Nhưng đôi khi các thông tin này có thể khiến bạn chuyển từ trạng thái lo lắng sang bối rối và cuối cùng là giận dữ vì nghĩ rằng trẻ đang giả vờ đau bụng. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của các cơn đau này và cách xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

Tương tự như người lớn, trẻ bị đau bụng bởi rất nhiều yếu tố gây ra, tuy nhiên đa phần là do các nguyên nhân đơn giản như ăn quá nhiều, đầy hơi, uống quá nhiều nước có ga, khó tiêu, bón... Một số nguyên nhân phức tạp hơn như viêm dạ dày ruột, đau ruột thừa… Đối với những cơn đau bụng không nguy hiểm, chúng thường kéo dài không quá 2 tiếng. Nếu do viêm dạ dày ruột, sau cơn đau sẽ xuất hiện nôn ói và tiêu chảy. Và nếu do các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, cơn đau sẽ kéo dài và biểu hiện nặng nề hơn như bé không di chuyển được, không thể nằm thẳng người…

Đối với việc bé bị đau bụng tái diễn nhiều lần thì nguyên nhân hay gặp nhất là do căng thẳnglo âu. Có khoảng 10% trẻ em bị đau bụng tái đi tái lại là do stress. Các căng thẳng mà bé hay gặp cũng rất “trẻ con” như bị ép ăn quá nhiều, sắp đến các kỳ thi cử… Các cơn đau do stress thường ở ngay rốn hoặc quanh rốn, thường đau nhẹ nhưng là đau thật sự. Hãy đến ngay bác sĩ khi con bạn vẫn cứ bị đau tái diễn.

Hãy quan sát những biểu hiện của trẻ khi đau bụng để có thể miêu tả chính xác cho bác sĩ.

Bạn sẽ phải chăm sóc bé như thế nào?

Trong trường hợp bé đau bụng do khó tiêu hoặc do một bệnh lý nào đó:

Nghỉ ngơi: Bé nên nằm xuống tĩnh dưỡng cho đến khi đỡ đau. Bạn có thể đắp một khăn chườm ấm giúp giảm đau nhanh hơn.

Ăn uống: Không nên cho bé dùng thức ăn cứng, chỉ nên cho uống từng ngụm nước. Chuẩn bị sẵn thau cho con bạn nôn ói, đặc biệt những trẻ độ tuổi mẫu giáo hay gọi cảm giác buồn nôn là “đau bụng”.

Đi vệ sinh: Khuyến khích con bạn đi vệ sinh và cố gắng đi đại tiện. Việc này sẽ làm giảm cơn đau nếu nguyên nhân do táo bón, tiêu chảy.

Không dùng thuốc: Đừng cho con bạn dùng bất cứ thuốc gì để giảm đau bụng nếu chưa tham vấn bác sĩ. Đặc biệt nên tránh thuốc xổ, nhuận tràng hay thuốc giảm đau.

Trường hợp đau bụng do căng thẳng, lo âu thì:

Hãy thận trọng. Phải cho con bạn khám bệnh toàn diện trước khi kết luận những cơn đau tái diễn này là do căng thẳng, âu lo quá mức.

Giảm nỗi lo âu nơi trẻ. Bạn đừng nghĩ rằng trẻ con chỉ ăn và học thì không bị căng thẳng hay lo âu. Trẻ rất nhạy cảm với những sự thay đổi và những việc diễn ra xung quanh như thay đổi trường học, nơi ở, lo lắng bài thi, hay có thể là sợ bị phát hiện một bí mật hay sai phạm nào đó. Đối với trẻ bị đau bụng tái diễn thì càng nhạy cảm hơn. Vì vậy, bạn hãy trò chuyện tìm hiểu nguyên nhân làm trẻ lo âu, giải thích và giúp trẻ chấp nhận sự kiện đó.

Hãy động viên và hạn chế việc bé nghỉ học nếu triệu chứng không nghiêm trọng. Vì các trẻ thường có khuynh hướng muốn nghỉ ở nhà, đặc biệt nếu trường học là nơi gây ra căng thẳng.

Tập thể dục thư giãn. Hãy dạy và tập cùng bé một số bài tập thể dục đơn giản để thư giãn. Nếu trẻ đã lớn, hãy để trẻ nằm ở nơi yên tĩnh, hướng dẫn trẻ hít thở sâu, chậm và suy nghĩ về những chuyện vui vẻ. Nghe nhạc êm dịu cũng là một cách thư giãn.

BS Nguyễn Vĩnh Tường cho biết thêm các trường hợp cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất, đó là:

. Cơn đau nặng và kéo dài hơn 1 giờ;

. Cơn đau liên tục và kéo dài trên 2 giờ;

. Đau ngay bìu hoặc tinh hoàn;

. Bé bắt đầu xuất hiện biểu hiện rất mệt mỏi, không linh hoạt.

BS NGUYỄN VĨNH TƯỜNG, Hội viên Hội Tiêu hóa Gan Mật Hoa Kỳ,
Giám đốc Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ


Video đang được xem nhiều