Cách "chữa" đãng trí cho bà bầu

Nhiều bà mẹ trẻ trước và sau khi sinh con thường hốt hoảng khi trí nhớ của mình bị suy giảm, mau quên và tâm trí lúc nào cũng như đang treo lơ lửng đâu đó.

15.5869

Đãng trí ở bà bầu chỉ là suy giảm trí nhớ tạm thời

Trao đổi trên báo Pháp luật TP.HCM, BS Lương Hữu Thông, nguyên Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2 cho biết, sự sa sút trí nhớ ở phụ nữ trẻ đang mang thai không giống ở người già. Đây chỉ là hiện tượng mất trí nhớ một phần hoặc tạm thời.

Đối với phụ nữ đang mang thai, do đang trải qua một thời kỳ rất đặc biệt nên cơ thể sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Đặc biệt, sự thay đổi các loại hormone trong cơ thể ở giai đoạn thai kỳ sẽ làm cho người phụ nữ mệt mỏi, thường xuyên mất ngủ.

Ngoài ra sự lo lắng, sợ hãi khi mang thai cũng sẽ khiến bà bầu mất khả năng tập trung, ghi nhớ kiến thức kém. Từ đó gây nên hiện tượng đãng trí ở bà bầu. Đôi khi vì sự lo lắng thái quá (nhất là những phụ nữ mang thai lần đầu) cũng khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, stress và dẫn đến suy giảm trí nhớ.

Các bà mẹ sau sinh cơ thể suy kiệt do bị mất máu nhiều, sau cơn vượt cạn, hệ thần kinh cũng bị suy giảm… Mặt khác, họ lại “lao” vào quá trình nuôi con và chăm sóc em bé khá bận rộn nên không có thời gian tập trung vào các công việc khác.

Giai đoạn này cũng khiến họ ghi nhớ kém, mau quên. “Việc đãng trí ở bà bầu chỉ là suy giảm trí nhớ có chọn lọc và tạm thời. Giai đoạn này sẽ tự chấm dứt theo thời gian nên các bà bầu không nên quá lo lắng và xem đây là điều tồi tệ đối với mình. Bù lại, giai đoạn này lại cho người phụ nữ một bộ não rất nhạy cảm với những thay đổi của em bé. Bé khóc khi đói, ốm đau, vui buồn… thì bà mẹ sẽ biết ngay” - BS Thông cho biết.

Những biện pháp hạn chế vấn đề đãng trí ở bà bầu

Sống ngăn nắp

Theo Maskonline.vn, sống gọn gàng, ngăn nắp giúp bạn hạn chế gặp phải những giây phút đãng trí bất ngờ. Ví dụ, khi bạn luôn giữ hóa đơn tiền điện nước trong cùng một chỗ, bạn sẽ biết chính xác nơi tìm được nó khi không nhớ mình đã trả tiền hay chưa. Việc sắp xếp mọi thứ gọn gàng có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn khi không nhớ thứ mình cần tìm.

Ghi nhớ lại mọi thứ

Giấy ghi nhớ nên trở thành 'người bạn thân' của mẹ bầu. Bạn có thể dán giấy ghi chú ở bất cứ nơi nào như: tủ lạnh, gương phòng tắm hoặc cửa trước nhà. Hãy dán chúng ở nơi mà bạn chắc chắn nhìn thấy và được nhắc nhở về những thứ bạn cần ghi nhớ.

Đặt chuông báo

Một cách khác bạn có thể áp dụng nhằm giúp mình nhớ phải làm gì chính là cài đặt chuông nhắc nhở. Nếu bạn muốn nhớ giờ uống vitamin, làm món thịt quay, hãy đặt chuông hẹn giờ. Điều thú vị của cách này là bạn có thể sử dụng chuông nhắc cho nhiều việc khác nhau.

Tạo thói quen

Thói quen khiến mọi hoạt động của bạn dễ theo dõi hơn. Nó giúp bạn thực hiện theo một khuôn mẫu bạn vốn quen làm, cũng như bạn có nhiều khả năng nhận ra điều cái gì đó thiếu hoặc không ổn khi 'lệch nhịp' với thói quen ấy. Thêm vào đó, bạn có thể sẽ nhận thấy sinh hoạt theo thói quen sẽ rất hiệu quả, ngay cả sau khi em bé chào đời.

Thoải mái cười vui

Tinh thần thoải mái là một điều tuyệt vời giúp bạn vượt qua tình trạng đãng trí của mình. Bạn nên 'cười xòa' nếu đến cửa hàng mà quên thứ gì đó định mua hoặc muốn kể một câu chuyện hấp dẫn thì bỗng dưng quên mất. Cố gắng nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh hài hước của nó.

Đãng trí đến mức nào thì cần đi khám bác sĩ

Theo Bs Lương Hữu Thông, nguyên Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2 cho biết, một số bà bầu bị bạo hành, bị cưỡng hiếp phải mang thai ngoài ý muốn, che giấu sự mang thai, rối loạn tâm thần sau sinh… rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm và stress nặng. Họ dễ bị tổn thương và mất trí nhớ. Khi đó cần có sự giúp đỡ của người thân và bác sĩ tâm lý.

Một số phụ nữ trong giai đoạn mang thai và nuôi con bị bệnh xơ vữa mạch máu, Alzheimer,… cũng gặp phải vấn đề mất trí nhớ. Khi đó họ cần được sự can thiệp của các bác sĩ.

Tiến Khê

Nên đọc


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]