Cách dạy trẻ 2 tuổi nói tốt

0

Con tôi 23 tháng tuổi, nói được 10 từ đơn và 4-5 từ đôi, mẹ nói gì cũng hiểu nhưng khi mẹ dạy một số từ như "nước" hoặc "ti mẹ" thì cháu không nói.

Cháu lười ăn, cho xem quảng cáo mới ăn tốt. Cháu không tập trung nghe mẹ dạy. 13 tháng biết đi, 18 tháng cháu đã biết gọi tên mẹ và tên chị nhưng bây giờ lại không gọi nữa. Mọi hoạt động nghe nhìn, đá bóng, đạp xe, chơi với trẻ khác của cháu đều rất tốt. Cháu có bị bệnh gì không? (Như Ngọc)

Ảnh minh họa: Sheknows.com.

Trả lời

Thông thường, với trẻ từ 21 đến 23 tháng tuổi, ngôn ngữ cũng như nhận thức đạt được ở mốc sau:

- Nhận biết chính xác những đồ vật để trước bé mỗi ngày.

- Phối hợp được nhiều từ khác nhau, có thể chưa đúng.

- Nói gần hết các từ nhưng thường nhầm lẫn hoặc mất phụ âm nào đó như là “th”.

- Nói được tên của bộ phận chính cơ thể.

- Chú ý lắng nghe người khác nói chuyện với nhau.

- Nói được ít nhất 200 từ khác nhau, thường kết hợp trong những câu ngắn.

Vì thế, đối với bé nhà bạn, khi được 23 tháng mà chỉ nói được 10 từ đơn và 4,5 từ đôi, còn những vấn đề khác bé đều tốt (mẹ nói gì cũng hiểu, mọi hoạt động nghe nhìn, đá bóng, đạp xe, chơi với trẻ khác rất tốt) thì vấn đề bé đang mắc phải ở đây chỉ là chậm nói đơn thuần.

Để cải thiện tình trạng chậm nói cho con, bạn nên dành nhiều thời gian để trò chuyện với bé, đọc truyện cho con nghe (có thể sử dụng những câu chuyện bằng tranh vẽ ngắn gọn mẹ vừa kể vừa chỉ vào các nhân vật và hướng dẫn trẻ gọi tên các nhân vật đó theo mẹ). Khi bé nói được theo mẹ thì mẹ hãy nhớ là dành ngay lời khen cho bé nhé. Chú ý lắng nghe, cho bé có thời gian để thực hiện những lời sắp nói, cũng như thường xuyên đưa ra lời động viên như “Con nói giỏi lắm”, giúp trẻ mạnh dạn tập nói.

Nên dạy cho bé những từ đơn giản, dễ hiểu. Tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những tình huống xảy ra hằng ngày, tạo nhiều tình huống khác nhau khi nói về một từ nào đó. Tập cho bé biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho bé tập nói tốt.

Đặc biệt đừng bao giờ để cho bé xem TV hay chơi một mình mà nên cùng xem các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ. Việc cho bé vừa ăn vừa xem quảng cáo sẽ không cải thiện được ngôn ngữ của bé mà ngược lại càng làm cho bé ngại giao tiếp hơn. Thay vì xem quảng cáo, bạn có thể đưa các đồ chơi bé thích ra cho bé chơi, mẹ hãy cùng chơi với bé và trò chuyện về đồ chơi đó.

Nếu như tình trạng ngôn ngữ của bé sau một thời gian vẫn không được cải thiện nhiều, bạn nên đưa bé đến trung tâm hỗ trợ tâm lý để được tư vấn và can thiệp kịp thời.

Thạc sĩ tâm lý học Hồ Thị Thương
Chuyên gia tư vấn trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]