Cách đối phó viêm dạ dày

SKĐS - Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh viêm dạ dày rất cao. Bệnh viêm dạ dày mạn tính thường gặp ở người lớn tuổi...

15.6093

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh viêm dạ dày rất cao. Bệnh viêm dạ dày mạn tính thường gặp ở người lớn tuổi, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng nhiều và nguy cơ biến chứng càng tăng nếu điều trị không dứt điểm.

Thông thường với người từ 40 tuổi trở lên, nếu được chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính cần điều trị đúng phác đồ và thường xuyên được kiểm soát bằng nội soi dạ dày 6 tháng - 1 năm một lần. Nếu không điều trị kịp thời, để bệnh diễn biến mạn tính kéo dài, nhiều biến chứng có thể xảy ra như ung thư dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, viêm quanh dạ dày tá tràng, thiếu máu do thiếu B12, loét dạ dày...

Về điều trị: Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng phối hợp hai kháng sinh nếu có vi khuẩn HP - một kháng sinh thuộc nhóm imidazole (metronidazole, tinidazole, ornidazole) và một kháng sinh thuộc nhóm marcrolid (clarythromycin); một thuốc ức chế bơm proton (omeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole, esomeprazole) hoặc thuốc ức chế thụ thể H2 (cimetidin, ranitidin...). Ngoài ra, tùy theo điều kiện của bệnh nhân, tình trạng tổn thương, có thể sử dụng thêm các thuốc băng ổ loét như alumini sacharos sulffat. Cần uống thuốc vào lúc trước khi ăn 1 giờ (để thuốc kịp bao vết loét trước khi ăn) và lúc đi ngủ. Thuốc kích thích tiết chất nhầy dimixen, teprenon, protaglandin... Thời điểm uống thuốc nên uống vào bữa ăn và trước lúc đi ngủ. Thời gian điều trị tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, nhưng tối thiểu là 4 - 6 tuần.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần ăn chậm, nhai kỹ, ăn những loại thức ăn dễ tiêu, nấu chín kỹ, khoảng cách giữa các bữa ăn hợp lý; ăn tăng rau xanh, hoa quả, thức ăn giàu đạm, ít béo ít đường, nên kiêng ăn uống các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, ớt, các đồ chua cay, cần có một chế độ lao động làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Nếu gặp khó tiêu thường xuyên, nên ăn nhỏ hơn, bữa ăn thường xuyên hơn để giúp giảm bớt những tác động của acid dạ dày.

Nên ăn thường xuyên, đều đặn, không ăn quá no và không để bụng quá đói. Khoảng cách giữa các bữa ăn ngắn giúp trong dạ dày luôn có thức ăn để trung hòa acid và giảm đau.

Cần ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng bọc, hút, thấm để bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa acid như sữa, gạo nếp, bánh nếp, bánh mì, bánh bột năng, cơm, bánh quy...

Chất béo từ cá (mỡ cá, cá mỡ) được khuyên sử dụng vì cung cấp nhiều acid béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể, thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá...) sẽ giúp mau lành vết thương, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.

Tránh dùng thức ăn sống, thô, cứng, nhiều chất xơ như gạo lứt, đậu đỗ, một số rau trái... trong thời gian đau cấp tính. Rau lá nên chọn ăn lá non, mềm như rau đay, rau mồng tơi, rau dền...

Tránh dùng các loại kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn...

Ngoài ra, cần tránh lo âu, căng thẳng tâm lý. Nên ăn uống trong không khí thư giãn, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh. Nếu gặp vấn đề về tâm lý cần xem xét việc tập thiền hoặc học tập yoga.

ThS. Nguyễn Bạch Đằng

 

 

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]