Cách dùng an toàn kính áp tròng

Bạn đừng vội vứt đi cặp kính gọng cũ khi mới mua kính áp tròng, vì có thể bạn vẫn cần đến nó do mắt chưa quen với "vật thể lạ" kia. Và nếu bị cộm, xốn và đỏ mắt ngay cả khi vệ sinh đảm bảo, có thể bạn đã bị dị ứng.

15.606

Ảnh: Targetwoman

Kính áp tròng (contact lens) đang được sử dụng khá phổ biến với mục đích làm đẹp. Các loại kính áp tròng màu "lên ngôi" và trở thành xu hướng thời trang mang tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, sử dụng kính áp tròng không đơn giản như bạn nghĩ. Những lời khuyên sau đây sẽ hướng dẫn bạn đeo và bảo quản kính áp tròng đúng cách, an toàn.

Nên đi khám mắt

Trước khi quyết định dùng kính, bạn hãy đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra xem mắt của mình có thích hợp với kính áp tròng hay không. Trong trường hợp mắt gặp phải những vấn đề như yếu, giác mạc mỏng và khô, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng kính áp tròng vì chúng có thể làm tình trạng bệnh lý của mắt trở nên trầm trọng hơn.

Đừng vội vứt đi cặp mắt kính cũ

Trong thời gian đầu, mắt bạn sẽ cảm thấy khó thích ứng với kính áp tròng. Do đó, cần phải có thời gian để mắt làm quen vật thể lạ này. Bạn cũng đừng quên thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa cho đến khi mắt chấp nhận được hay không.

Việc giữ lại cặp kính cũ đề phòng khi mắt gặp vấn đề với kính áp tròng là một việc cần thiết. Hãy nhớ kiểm tra mắt định kỳ.

Không để mắt khô

Trước khi đi ngủ hoặc sau 8-10 giờ sử dụng kính áp tròng, bạn nên tháo kính ra và ngâm vào dung dịch bảo quản.

Mỗi lần đeo kính lại, bạn hãy nhỏ 1 giọt nhân tạo để tránh làm khô giác mạc mắt.

Tránh nhiễm trùng mắt

Luôn luôn phải rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng kính áp tròng. Có vậy, bạn mới ngăn ngừa được những trường hợp nhiễm trùng mắt do vi khuẩn thâm nhập.

Đặc biệt, ở một số người, nước mắt chứa nhiều protein nên dễ làm tròng kính bị nhiễm khuẩn. Nguy cơ mắc các bệnh về mắt của họ rất cao. Những người này nên vệ sinh kính thường xuyên hơn, ít nhất 1 lần/ngày.

Dị ứng với kính áp tròng

Trường hợp này không phải là hiếm. Nó thường xảy ra ở những người không thích ứng được với dung dịch bảo quản kính áp tròng. Mỗi khi mắt có cảm giác bị xốn, cộm, nóng rát và đỏ, bạn phải lấy kính ra khỏi mắt ngay và đi khám. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Những lưu ý khi đeo kính

Trong khi đeo kính áp tròng, bạn nên tránh tiếp xúc quá gần với bếp gas, lửa, nguồn hơi nóng... Vì những tác nhân trên sẽ làm tròng kính co lại, gây tổn thương mắt. Phụ nữ mang thai không nên đeo kính áp tròng vì mắt thiếu sự ổn định.

(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]