Cách dùng thuốc ngủ an toàn

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: do môi trường sống không thích hợp, căng thẳng về tâm lý, bị bệnh tật,

0

Mất ngủ - tại sao?

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: do môi trường sống không thích hợp, căng thẳng về tâm lý, bị bệnh tật, dùng chất kích thích, suy giảm hormon, tuổi già. Theo thời gian, bị mất ngủ có thể chia ra hai loại mất ngủ là mất ngủ cấp tính và mạn tính. Nếu theo giai đoạn giấc ngủ, chia ra:

- Mất ngủ đầu giấc: Buổi tối khó vào giấc ngủ. Khi đã vào giấc ngủ thì thường dậy muộn. Nếu không vì công việc buộc phải dậy sớm, thì thời gian ngủ được  tương đối dài.  Hay gặp ở tuổi thanh niên.

- Mất ngủ cuối giấc: Buổi tối buồn ngủ, ngủ sớm nhưng lại thức dậy sớm. Thời gian ngủ được ngắn và hay gặp ở tuổi già.

- Mất ngủ giữa giấc: Vào giấc ngủ được, nhưng  tỉnh dậy giữa giấc, phải rất lâu, thậm chí vài giờ sau mới ngủ lại được. Tình trạng này hay gặp ở tuổi trung niên.

 Không nên lạm dụng thuốc ngủ.
Dùng thuốc thế nào?

Trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ để khắc phục. Ví dụ:  Mất ngủ do gần đường chợ búa, ồn ào thì thay đổi chỗ ở hay tạo ra phòng ngủ kín đáo để giảm thiểu các tác động này. Nếu bị bệnh như suy tim (tim nhanh, khó thở làm mất ngủ), viêm loét dạ dày (gây đau đớn) thì chữa các bệnh này làm giảm các triệu chứng trên sẽ ngủ được. Chỉ dùng thuốc khi không còn biện pháp nào khác.                           

Dùng thuốc để tạo lập lại giấc ngủ sinh lý bình thường, sau đó tác động đến nguyên nhân để duy trì lại giấc ngủ đã tạo lập được. Sau khi tạo được giấc ngủ cho người mất ngủ đầu giấc thì cần thay đổi lịch hoạt động (không mải làm việc, chơi bời đến khuya, đi ngủ đúng giờ, thức đúng giờ). Không nên dùng mãi thuốc ngủ.

Dùng thuốc ngủ tạo ra giấc ngủ đầu giấc (cho người bị mất ngủ đầu giấc) hoặc kéo dài giấc ngủ (cho người bị mất ngủ cuối giấc) gần giống với giấc ngủ sinh lý. Thời gian ngủ bằng thuốc cộng với thời gian ngủ tự nhiên đủ để hồi phục cơ thể, hồi phục thần kinh nên khi thức dậy sẽ tỉnh táo, thoải mái không mệt mỏi, cáu gắt, giữ được năng suất lao động, học tập. Để đạt được điều này, phải chọn đúng loại thuốc (cho từng loại mất ngủ) dùng đúng thời điểm. Với mất ngủ đầu giấc, chọn thuốc khởi phát hiệu lực nhanh, thời gian kéo dài giấc ngủ ngắn hay trung bình (2-3 giờ). Với mất ngủ cuối giấc thì chọn loại thuốc xuất phát hiệu lực chậm (khoảng 2- 4 giờ sau khi dùng, thời gian kéo dài giấc ngủ trung bình hay dài hơn một chút (chỉ trong khoảng 4-6 giờ).  Ít có thuốc đạt được điều lý tưởng này nên sau khi chọn lựa cần có sự điều chỉnh cho thích hợp.

Những chú ý khi dùng

Cần điều chỉnh thích hợp để tránh giấc ngủ bằng thuốc chồng lên giấc ngủ sinh lý, gây mệt mỏi sau khi ngủ dậy. Thời gian xuất hiện hiệu lực của thuốc, kéo dài giấc ngủ có dao động chút ít theo từng người. Cần dùng đúng liều, đúng thời điểm; ghi nhớ  lúc có được giấc ngủ, lúc thức giấc, trạng thái lúc thức dậy (mệt mỏi hay thoải mái ) báo lại cho thầy thuốc để điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Sai lầm  hay gặp là dùng thuốc không đúng giờ.      

Sau một thời gian dùng một số thuốc như  barbiturat, cơ thể quen đi, dùng  không có hiệu lực nữa, muốn đạt được như trước đòi hỏi phải tăng liều. Một số thuốc (như   éstazolam triazolam, fluazepam, nitrazepam thuộc nhóm benzodiazepin)  sẽ gây hội chứng "lệ thuộc thuốc", nghĩa là nếu không dùng thuốc sẽ bị các triệu chứng phản hồi (bị kích thích, bồn chồn, lo âu, không ngủ đựợc, mỏi mệt), ngừng thuốc đột ngột sẽ bị các "phản ứng nghịch thường"  (tùy loại  mà có thể bị một số hay đủ các triệu chứng như mất ngủ, kích thích nghịch thường, kích động, thậm chí có hành vi bạo lực, suy hô hấp, ngừng thở). Dùng liều cao kéo dài, hội chứng "lệ thuộc thuốc" và "phản ứng nghịch thường" dễ xảy ra và nặng, song ngay với liều điều trị  chuẩn cũng có thể bị các tác dụng phụ này. Để tránh, chỉ dùng vừa đủ hiệu lực, không kéo dài (không quá 10 ngày, không  quá 2 tuần với các benzodiazepin), không ngừng dùng đột ngột (giảm liều dần sau đó mới ngừng hẳn).

Có những chất có thể gây buồn ngủ, ngủ nhưng không tạo được giấc ngủ giống như giấc ngủ sinh lý (opium, kháng histamin) thì không được dùng làm thuốc ngủ.

Thuốc giải lo âu, an thần, gây ngủ đều ức chế thần kinh trung ương, song có các tác dụng khác nhau trên các týp thụ thể, cần có sự phân biệt.

Chưa có thuốc nào có thể dùng dài hạn để chữa mất ngủ mạn mà không gây độc. Nếu cần dùng thì nên thay thuốc (như trong các trường hợp bị quen, lệ thuộc thuốc), có  thời gian tạm nghỉ (nếu đã tạo được giấc ngủ bình thường).

Thuốc ngủ chuyển hóa, thải trừ chậm ở người suy gan - thận, người già, riêng người già rất dễ nhạy cảm thường gây tụt huyết áp, suy giảm nhận thức, trí nhớ, mất tỉnh táo, mất thăng bằng dẫn tới bị té ngã, gãy xương. Nên dùng liều thấp, không kéo dài. 

Benzodiazepin thuộc nhóm thuốc hướng thần khi dùng có thể gây ra sự thoải mái quá mức, phấn chấn (phởn phơ), say, mạnh dạn trong giao tiếp (nói nhiều), tăng động, kích thích, không  ngủ,  tương  tự như  ecstasy (ma túy trắng), nên một số nước quản lý chặt chẽ như ma túy. Các thuốc trên đều đang được lưu hành, chỉ riêng triazolam bị một số nước rút khỏi thị trường nhưng nhiều nước kể cả Mỹ vẫn cho dùng.

Thuốc ngủ (cả nhóm barbiturat, benzodiazepine) gây hại thai , một số gây dị dạng, quái thai. Không dùng cho người có thai.           

DS. Bùi Văn Uy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]