Cách hay trị cảm lạnh

Thời tiết thay đổi đột ngột rất dễ khiến bạn bị cảm lạnh. Lúc này, nếu bạn cố gắng làm ấm tay chân sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.

15.6038

Cẩn thận máu lạnh về tim

Cảm lạnh (nhiễm lạnh) là biến cố lạnh một phần hoặc toàn bộ cơ thể do tác động kéo dài của nhiệt độ dưới ngưỡng bình thường trong môi trường lạnh thời gian dài nên không tự điều chỉnh được thân nhiệt khiến nhiệt độ cơ thể bị giảm.
 
Không chỉ người già thể trạng yếu dễ bị cảm lạnh, hay trẻ nhỏ đội mưa gió tới trường bị ướt, thân nhiệt giảm mà ngay cả người lớn nếu chống chọi, dọn dẹp, dầm mình trong bão lũ nhiều giờ cũng có thể mắc cảm lạnh.

Khi mắc chứng cảm lạnh thường có những biểu hiện như rùng mình, nói líu nhíu, thở chậm một cách bất thường, da lạnh tái, mất phối hợp vận động, mệt ngủ lịm, lãnh đạm...

Khi trong nhà có người bị cảm lạnh, người nhà cần theo dõi nhịp thở, nếu bị ngưng thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo ngay. Sau đó đưa bệnh nhân ra khỏi chỗ lạnh. Nếu không thể đưa vào nhà thì hãy bảo vệ bệnh nhân tránh gió, phủ kín đầu, cởi bỏ quần áo ướt (nếu có), đồng thời gọi xe cấp cứu ngay.

Không dùng nước nóng, miếng sinh nhiệt hoặc đèn tỏa nhiệt để làm ấm bệnh nhân. Thay vào đó, áp gạc ấm vào cổ, thành ngực, háng để cơ thể người bệnh được ấm trở lại.
 
Tuyệt đối không cố gắng làm ấm tay chân bệnh nhân. Vì nhiệt sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi và não làm tiếp tục giảm thân nhiệt và có thể dẫn đến tử vong.
 
Những phương pháp "đuổi" cảm 

Nhiều bệnh nhân bị hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững; lúc này biện pháp nhanh và hiệu quả nhất là đánh gió, giải cảm. Có rất nhiều cách đánh gió, giải cảm. Tùy điều kiện cụ thể mà áp dụng.

Giải cảm với gừng tươi: Lấy một nhánh gừng tươi giã nhỏ với tóc rối, trộn cùng rượu bọc vào miếng vải thưa, đánh gió.
 
Khi đánh gió nhớ đánh xuôi từ trên xuống và tránh các hạch bạch huyết ở mang tai, nách, háng, bên trong khuỷu tay, khoeo chân sẽ nhanh chóng được giải cảm. Mục đích của đánh gió là đưa khí nóng vào cơ thể ngay trên kinh thái dương bằng cách thấm qua da.

Bạn cần lưu ý: Nên chọn củ gừng to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt rồi thoa lên vùng cần đánh gió, lấy bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Sau đó, dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Cách làm này giúp vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên, mang lại cảm giác dễ chịu.

Đuổi gió bằng đồng xu: Dùng 1 đồng xu tròn (hoặc 1 muỗng bằng kim loại cạnh tròn, không bén), 1 chai dầu (cù là, dầu nóng...). Bắt đầu bôi dầu và dùng tay chà xát dọc hai bên cột sống, cổ, vai. 
 
Dùng cạnh của đồng xu hoặc muỗng chà vào vùng đó theo chiều hướng lên hoặc xuống. Chà nhiều lần cho mặt da nóng lên hoặc đến khi cơ thể mất cảm giác ớn lạnh và đau nhức cổ gáy thì dừng.

Cần lưu ý là nhiều người tưởng phải chà xát thật mạnh cho tới khi vùng đánh gió bầm tím lên thì mới tốt là không đúng. Vì như thế vô tình đã gây nên xuất huyết dưới da do chà xát quá mạnh.

Xông lá: Nếu cảm lạnh nặng, có thể dùng nồi xông. Lá xông nấu từ các loại lá thơm chứa tinh dầu, có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng... gồm: Lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu. Các thứ lá trên rửa sạch cho vào nồi đổ vừa nước.
 
Dùng lá chuối bịt miệng, đậy nắp nấu sôi. Bệnh nhân được bố trí trong phòng kín, tránh gió lùa. Bệnh nhân trùm kín chăn, ngồi xông từ 15-20 phút.
 
Khi xông, các loại dược liệu, các chất trong lá sẽ bốc thành hơi nước theo đường hô hấp vào đến tận phế nang. Trong quá trình này sẽ diễn ra sự trao đổi chất với cơ thể.
 
Vì vậy, đường hô hấp sẽ được thông suốt, giảm đau, giảm tiết, hạ khí. Bệnh nhân sẽ bớt đau đầu, giảm chóng mặt và khó thở, da dẻ mềm mại và mát mẻ hơn.
 
Các loại lá khi được nấu lên sẽ tạo thành chất kháng sinh, tinh dầu, có tác dụng chống viêm, thông phế khí, giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên, cũng chỉ nên xông từ 1-2 lần trong một trận cảm vì xông nhiều sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
 
Theo BS Hoàng Xuân Đại - Gia đình & Xã hội
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]