Cách khắc phục tật mút tay ở trẻ

Cách khắc phục tật mút tay ở trẻ, trước hết phải tìm hiểu được nguyên nhân để tìm ra biện pháp và có cách điều trị thích hợp nhất.

15.5766
Thói quen hay tật ngậm mút tay ở trẻ rất thường thấy. Nhiều cha mẹ cố gắng ngăn con có thói quen này nhưng lại không biết rằng ngậm mút tay lại là biểu hiện cho nhiều dạng tâm lý khác nhau ở trẻ em.

Cách khắc phục tật mút tay ở trẻ là thắc mắc được nhiều người quan tâm (Ảnh minh họa)
Muốn khắc phục tật mút tay ở trẻ cần tìm hiểu được nguyên nhân

Nguyên nhân đơn giản nhất là do bé bú tí chưa đã thèm nên phải mút tay để bù trừ. Trong trường hợp này, các bé bú mẹ thường ít mút tay hơn những bé bú bình. Vì bú mẹ có thời gian dài hơn.

- Tật mút tay còn do thiếu sự âu yếm, cưng nựng của mẹ. Những bé bú mẹ ít mút tay hơn một phần cũng vì được hưởng tình yêu thương của mẹ đầy đủ hơn: mỗi lần bú mẹ, bé lại được mẹ ôm vào lòng, vỗ về, nâng niu, chuyện trò.

- Những lúc buồn bã, bé cũng thường mút tay nhiều hơn. Chẳng hạn khi bị rầy la, mắng mỏ, hay khi mệt mỏi, đau ốm... thậm chí là khi thấy mẹ săn sóc cho đứa em mới đẻ nhiều hơn mình, bé cũng có thể mút tay vì ghen tị.

- Ngoài các nguyên nhân tâm lý nói trên, việc đẻ khó, các biến chứng thai sản, hoặc sự kém phát triển của trẻ cũng có thể là một trong những lý do khiến trẻ hay mút tay.

Cha mẹ đừng ngăn cấm thô bạo để giúp bé khắc phục tật mút tay

Tật mút tay với đa số các bé là thông thường, tự nhiên sẽ khỏi. Vì thế không nên quá giận dữ và nhất là đừng ngăn cấm bé bằng những biện pháp thô bạo. Ngăn cấm bé không chỉ vô ích mà còn ảnh hưởng xấu đến tâm lý bé sau này. Tùy vào nguyên nhân mà ta có biện pháp phù hợp để "chữa" cho bé.

Mẹ nên tích cực cho bé bú mẹ để khắc phục tật mút tay

Với những bé đang ở tuổi bú sữa, tốt nhất là hãy tích cực cho bú mẹ để thỏa mãn bản năng bú cũng như nhu cầu được yêu thương của trẻ.

Cha mẹ nên dành sự quan tâm, chăm sóc bé nhiều hơn

Trường hợp bé đã lớn mà còn bú tay vì buồn (do phải ở nhà một mình, bị mắng mỏ, ghen với em bé… ) thì nên để ý quan tâm chăm sóc, thương yêu bé nhiều hơn. Trước khi ngủ hãy làm các động tác massage, xoa lưng nhè nhẹ, kể chuyện hoặc hát ru cho bé ngủ.

Giúp bé chuyển sự chú ý sang thứ khác

Một cách khác là bạn có thể chuyển sự chú ý trong việc mút tay của bé sang những hoạt động bình thường khác. Chẳng hạn cho trẻ ngậm kẹo, thổi bong bóng. Hoặc làm sao cho tay bé "bận rộn" liên tục với các trò chơi xếp hình, ghép tranh… hãy để bé được tự do một chút, cho bé chạy nhảy xung quanh, để bé cảm thấy thỏa mãn, không buồn chán.

Trong những trường hợp đặc biệt cần thiết, bạn cũng có thể cần đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để xác định nguyên nhân cũng như biện pháp và có cách điều trị thích hợp nhất.

Theo Phương Vũ - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]