Cách làm cơm tấm chuẩn vị

Từ thứ cơm dân giã tận dụng những hạt tấm nơi đầu gạo hay những hạt gạo gãy, cơm tấm đã trở thành món ăn sang trọng được phục vụ trong nhà hàng.

15.6037
Cơm tấm Sài Gòn thường ăn với sườn nướng, chả bì, trứng ốp la thêm một chút mỡ hành lên trên và không thể nào thiếu mắm ngọt. Dưới đây là các bước làm món cơm độc đáo này.

Bước 1: Nấu cơm tấm


- Ngâm gạo tấm trước khi nấu khoảng 1 giờ đồng hồ, sau đó để ráo nước.

- Nấu 1 nồi nước sôi, đổ gạo vào nồi đảo đều, sau đó đậy nắp.

Muốn cơm có mùi nếp thơm, thì có thể thả lá dứa vào nấu đến khi nước sôi thì vớt lá dứa ra bỏ đi, rồi mới cho gạo vào nấu.

- Khi nồi gạo sôi mạnh thì hạ lửa. Canh lượng nước trong nồi, nếu nước nhiều có thể chắt bớt để nước vừa đủ để hạt cơm nở đều mà không bị nhão.

- Khi hạt cơm nở chín, dùng đũa xới đều cho hạt cơm tơi lên và đậy hờ nắp, để lửa liu riu hoặc thật nhỏ khoảng 5-7 phút thì tắt bếp. Đây nắp kín.

Lưu ý: Nếu bạn sử dụng nồi hấp để nấu thì lót lá dứa dưới đáy nồi rồi hấp chín cho đến khi hạt gạo nở đều và mềm thì cơm sẽ rất thơm. 

Bước 2: Làm trứng chả

Nguyên liệu:

– Thịt heo xay: 300g

– Trứng gà: 5 quả

– Miến: ngâm mềm, cắt khúc

– Hành lá cắt nhỏ

– Nấm mèo: 3-4 tai, ngâm mềm và cắt sợi

– Gia vị gồm: nước mắm, bột nêm, đường, muối, tiêu xay, dầu điều

 

- Trộn chung: Thịt heo, miến, nấm mèo, hành lá, nước mắm, bột nêm, đường, muối, tiêu xay

- Sau đó cho vào khuôn hoặc chén nhỏ hấp chín. Có thể dùng tăm đâm vào trong chả hấp, nếu tăm không bị dính là được.

- Đánh tan 2 lòng đỏ trứng với dầu điều, rồi quét lên trên các chén chả.

- Sau đó đặt các chén/khay chả vào trong lò nướng và nướng khoảng 5-7 phút với nhiệt độ 180-200 độ C, hoặc nướng sao cho phần trứng trên mặt chả chín là được. 

Bước 3: Làm sườn nướng thơm ngon

Nguyên liệu:

– Sườn cốc lết (đã được đập mềm)

– Xả băm: 3-4 thìa

– Tỏi băm: 3-4 tép

– Nước mắm: 2 thìa

– Đường/mật ong: 2 thìa

– Tiêu xay: 1/2 thìa

– Dầu ăn: 2 thìa

 

- Cho toàn bộ gia vị gồm xả, tỏi, nước, đường, tiêu xay vào máy xay và xay nhuyễn.

- Ướp suờn với gia vị vừa xay, thêm mật ong và nước mắm vào ướp chung trong vài tiếng, càng lâu càng thấm, bạn có thể ướp qua đêm để gia vị được thấm, đừng quên đậy kín và cho vào tủ lạnh.

- Dùng than để nướng thịt. Trước khi nướng, nhớ quét một lớp dầu ăn, mật ong và nước lên miếng thịt. Có thể nướng đi nướng lại nhiều lần với nhiều lần quét gia vị như vậy sẽ giúp thịt nướng thêm ngon và thơm mà không bị khô.

 

Bước 4: Làm món bì

Nguyên liệu:

– 1 gói bì da heo

- Thịt heo đùi: 1 kg, cắt miếng lớn

– Dừa tươi: 2 trái

– Gia vị cần có: ½ muỗng café muối, ¼ muỗng ngũ vị hương, 4 muỗng đường, tiêu, tỏi, 2 muỗng canh xì dầu, dầu ăn, thính gạo rang.

 

- Nấu một nồi nước sôi xả cho thật kỹ bì, dùng tay (mang bao tay thực phẩm) bóp cho ra hết mỡ, rồi vắt thật ráo để riêng.

- Làm nóng dầu ăn, phi vàng tỏi và cho thịt vào đảo đều cho đến khi có mùi thơm thì cho nước dừa tươi ngập thịt cùng các gia vị vào.

- Để lửa lớn cho nước sôi, nhớ trở thịt đều, khi thịt chín thì vớt bọt, hạ lửa vừa, dùng dĩa xiên miếng thịt cho gia vị được thấm vào trong.

- Khi nước thịt cạn, bật lửa lớn và nấu thịt cho đến khi chuyển sang màu vàng cam đẹp. Nhấc nồi thịt xuống, lấy thịt ra đĩa, để nguội và cắt sợi.

- Cho bì vào 1 bát to, trộn đều bì và thịt cùng với mắm.

 

Bước 5: Pha mắm ngọt


- Đun sôi nước mắm với đường, mặn ngọt tùy ý người ăn. Thêm ít giấm và đun sôi lại.

- Rót mắm ra bát con, thêm vào tỏi băm nhuyễn, một chút ớt xay và cà rốt bào sợi.

 

Cuối cùng, bạn múc cơm, xếp trứng chả, sườn và bì lên đĩa, trang trí cùng vài lát dưa chuột hoặc cà chua. Sau đó, rưới lên trên đĩa cơm một muỗng mỡ hành.

Món cơm tấm độc đáo, đậm chất ẩm thực Sài Gòn đã hoàn thành.

Chúc các bạn thành công!

Hương Trà (tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

>> Video đang được quan tâm:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]