Cách làm giá đỗ kiểu truyền thống

Cách làm giá đỗ kiểu truyền thống Thứ Sáu, ngày 19/04/2013 11:00 AM (GMT+7) Cách làm truyền thống khiến giá mập, ăn vào mát rượi, nước ứa ra ngọt dịu.

15.5733

Vẫn biết là có những cách làm giá đỗ tiện lợi như là dùng rổ rá, khăn, tro, nhưng làm vậy giá bị lên mầm rất nhanh – còn có cả chồi vàng: rễ dài và thân gầy; bởi vậy mình xin được chia sẻ với các bạn cách làm giá đỗ truyền thống mà ngày xưa mẹ mình vẫn giúp ông bà ngoại làm để bán.


Mẹ mà làm giá đỗ thì ngon lắm, trắng, mập, ngọt mát mọng nước. Chả thế mà mẹ mình tự hào lắm. Bà ngoại mình khi xưa cũng thi thoảng kể chuyện mẹ làm giá cho mình nghe, bà bảo “Mẹ mày làm giá ngon lắm, đến nỗi cái con Mỹ (cô bán giá ở chợ) nó vào, nó trách – bà làm giá mập quá, cháu không bán được; cháu phải ngồi ăn giá sống người ta mới tin.” Chả là giá ngon quá người ta không tin là sạch mà nghĩ là mình dùng thuốc hoá học.



Trước tiên phải chọn loại đỗ ngon, sau đó ngâm vào nước mát từ 6 - 8 tiếng cho nở.



Đổ đỗ ra rá, tãi ra, nhặt hạt hỏng (thối, mốc, sưng) rồi hong một lúc cho se mặt.



Nhẹ nhàng đổ đỗ vào cái thùng ủ giá, thường là thùng cao, cho nước xăm xấp và lắc thùng để hạt đỗ bằng mặt.

Xếp lá tre lên trên, sau đó là một tấm phên đan, cài chặt lại và úp ngược xuống, kê kênh lên để cho róc nước và thoáng, để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Khi cài thì chú ý là cài chặt và đều, tốt nhất là bằng que tre, nếu không khi úp ngược sẽ bị lỏng hoặc bung, dễ bị hỏng, thối, dài quá nhanh hay bên dài bên ngắn.



Nếu không có lá tre thì bạn dùng thay bằng loại lá khác chịu được nước, nhưng phải che kín nếu không giá sẽ đâm lên rất dài.

Hàng ngày cho giá uống nước mát vào buổi sáng, trưa, chiều; không dùng nước ấm sẽ gây úng giá hoặc nước quá lạnh làm chết giá, nếu bận quá thì bạn bỏ qua buổi trưa cũng được
Hai ngày đầu thì chỉ cho nước đầy mặt rồi đổ và úp luôn. Hình bên bạn thấy ngày thứ 2, giá chỉ nảy lên một chút.



Từ ngày thứ 3 bắt đầu nới giá, tức là gỡ nẹp tre ra cho giá nảy lên rồi lại cài chặt xuống, giá lên đến đâu bạn cài tới đó.



Lúc này, giá bắt đầu cần nhiều nước hơn và khó úng hơn nên bạn sẽ cho uống nước tầm 15 phút rồi mới đổ nước và úp ngược thùng xuống. Nếu sợ quên đổ nước mà để giá ngâm nước quá lâu thì đổ luôn sau khi cho uống nước một lúc cũng được, hoặc là cho uống, rồi đổ nước đi, rồi lại cho uống lần hai và đổ luôn. Giá ngày thứ 4 - thứ 5 đã nảy lên nhiều.



Tuỳ vào thời tiết nóng hay lạnh mà sau 4 - 7 ngày bạn sẽ có giá ngon ăn, có lần mình để tới 8 - 9 ngày, giá rất dài nhưng vẫn mập và tuyệt đối không lên mầm.
Khi thấy được rồi thì dỡ ra, cho từng phần vào túi nilon, ép khí ra ngoài, buộc chặt lăi, bọc bên ngoài cẩn thận bằng giấy báo, rội lại thêm một lớp nilon nữa, có thể giữ trong tủ lạnh 1-2 tuần. (hình 11 - Dỡ giá, sau 5 ngày; hình 12 - Giá ngon thì mập, mũ (phần hạt) bé lại, trắng sữa, ăn ngọt mát ứa nước)

Làm giá ngon tưởng chừng đơn giản mà để ra được sản phẩm trắng mập, ngọt mát, không thối hay sưng mũ, không mọc mầm, không dài loằng ngoàng thì không phải ai cũng làm được đâu nhé! Cách làm giá đỗ truyền thống phải qua nhiều công đoạn hơn là ủ giá kiểu hiện đại nhưng giá mập, ăn vào mát rượi, nước ứa ra ngọt dịu, rất thích và bõ công. Nếu làm một, hai lần rồi bạn sẽ không còn thấy ngại với cách làm giá đỗ này nữa đâu, cũng chỉ là ủ giá và cho giá uống nước thôi mà! Có điều là ủ giá kiểu này thì phải cẩn thận hơn vì giá dễ bị úng thối hơn là cách dùng rổ rá.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]