Cách làm lớn cho trái vải nhỏ (Kỳ I)

Chỉ còn gần một tháng nữa Bắc Giang sẽ bước vào vụ thu hoạch vải thiều. Rút kinh nghiệm từ bài học của dưa hấu, hành tím..., vụ vải năm 2015, Bắc Giang đã chuẩn bị rất sớm, chủ động kết nối tiêu thụ vải tại thị trường nội địa, xúc tiến xuất khẩu vải giá cao vào các thị trường khó tính.

15.5823

Kỳ I: Tăng “chất” cho cây vải

Chăm sóc vườn vải chất lượng cao

Quy hoạch giảm diện tích

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quang Huy- đại diện Phòng cây công nghiệp, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn- NN&PTNT) - cho biết, từ năm 1997- 2006 là giai đoạn cây vải tăng trưởng nóng về diện tích, người dân trồng vải ồ ạt không theo quy chuẩn dẫn đến sản lượng vải tăng trong một số thời kỳ nhất định, có thời điểm cả nước tổng diện tích cây vải đạt gần 100.000 ha. Nhưng đến năm 2008- 2010 diện tích vải chững lại, cho đến thời điểm này diện tích vải cả nước chỉ còn 70.000 ha. Ông Huy cũng thừa nhận: “Trên thực tế từ trước đến nay, Cục Trồng trọt chưa có một quy hoạch nào về diện tích cũng như ước tính sản lượng riêng cho cây vải. Trong năm 2015 cũng sẽ xây dựng quy hoạch dành cho trái cây riêng như thanh long, chứ cây vải thì chưa có”.

Ông Vũ Đình Phượng- Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang thừa nhận

đúng là có thời điểm Bắc Giang rơi vào tình trạng cây vải tăng trưởng nóng khoảng 40.000 ha. Nhưng cho đến thời điểm này, theo quy hoạch chủ trương của tỉnh đến 2015-2020 chỉ duy trì ở mức ổn định bền vững từ 30.000- 33.000 ha, diện tích nào không hiệu quả kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

Bản thân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là “kinh đô” của vải thiều cũng cam kết giảm diện tích, theo ông Trần Quang Tấn- Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Năm nay, diện tích trồng vải của Lục Ngạn sẽ thu giảm 1.000 ha vải năng suất thấp, từ 17.500 ha (năm 2014) xuống còn 16.250 ha tương đương với giảm 4.000 tấn sản lượng.

Tại hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2015 mới đây, ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang thông tin, sản phẩm "Vải thiều Lục Ngạn" và "Vải sớm Phúc Hòa" đã được nhà nước bảo hộ, cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý.

Tập trung tăng chất lượng

Tăng chất lượng cho cây vải là ưu tiên số một của ngành nông nghiệp Bắc Giang, theo ông Vũ Đình Phượng nếu có kế hoạch căn cơ trong sản xuất, trái vải sẽ không bị động về tiêu thụ như dưa hấu hay hành tím vừa qua. Ông Phượng nhấn mạnh, để tập trung cao độ cho chất lượng quả vải, Sở NN&PTNT Bắc Giang đã quy hoạch vùng vải an toàn theo lộ trình 2015- 2020 theo từng giai đoạn. Năm 2015, diện tích trồng vải của cả tỉnh là 32.000 ha, trong đó dành hơn 11.000 ha vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và một phần đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Là người tâm huyết với trái vải, ông Phượng chia sẻ, việc nâng cao chất lượng quả vải thiều đã được các cấp chính quyền và người dân địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm cơ quan chức năng tổ chức khoảng 130 lớp tập huấn về quy trình sản xuất vải thiều VietGAP cho hàng nghìn hộ dân.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Quang Tấn thông tin, hiện diện tích cây vải của huyện giảm xuống còn 16.250 ha, trong đó vải thiều VietGAP chiếm gần 9.000 ha. Hiện chất lượng vải thiều Lục Ngạn cũng được nâng cao, quả vải to đều, chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tháng 5/2014, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cả nước.

Kỳ II: Kỳ vọng quả vải sang Mỹ 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]