Cách nắm bắt tâm lý trẻ mới lớn

Tuổi mới lớn là thời gian có rất nhiều biến động trong tâm hồn cũng như hình thể của trẻ. Trẻ sẽ có những phản ứng mà bạn không ngờ tới.

0
Vậy cha mẹ cần phải làm gì để giúp trẻ phòng ngừa hoặc thoát khỏi tâm trạng tồi tệ đó?
Cách nắm bắt tâm lý trẻ mới lớn

Hung hăng, thậm chí đôi khi còn có những ứng xử thô bạo... đó là dấu hiệu thường gặp ở độ tuổi mới lớn. Hình như trẻ luôn thấy đấy là biện pháp phòng thủ để chống đối cha mẹ. 

Đây chính là cách mà trẻ nghĩ là để khẳng định tính cách của mình, cũng như muốn khẳng định mình đã lớn. Trẻ ở lứa tuổi này thường luôn có những thắc mắc với tất cả những điều xảy ra. 

Cho dù trẻ không nghe lời nhưng không phải những lời khuyên của mọi người không có tác dụng gì đối với trẻ. Vì thế cha mẹ vẫn phải kiên nhẫn và thường xuyên nhắc nhở giáo dục trẻ. Cần tránh tình trạng nuông chiều, bao che hay buông xuôi với những khuyết điểm của trẻ.

Cha mẹ cần chỉ ra cho trẻ những giới hạn cần tôn trọng. Tuy nhiên, thay cho những lời nói nặng nề với trẻ trước mặt bạn bè, nên nói với trẻ rằng sự chống đối của trẻ lúc nào cũng dẫn đến những điều xấu. Vậy cha mẹ có cần trừng phạt trẻ ngay từ những biểu hiện đầu tiên? Câu trả lời rất cần thiết  dưới hình thức cảnh báo trước hậu quả mà trẻ sẽ phải gánh chịu nếu phạm lỗi.

Nếu trẻ vẫn có những hành động không như mong muốn, có thể phạt bằng cách giao cho trẻ những công việc có thể giúp trẻ có ý thức và trách nhiệm hơn. Như vậy trẻ sẽ cảm thấy thoải mái khi biết nhận lỗi, tự chọn cách chuộc lỗi.

Yếu tố môi trường cũng rất quan trọng vì không phải lúc nào cũng dễ dàng để trẻ trong độ tuổi mới lớn biết nghe lời bạn khi bạn là người duy nhất sống bên cạnh trẻ. Tốt nhất là nên để trẻ được sống giữa những người thân và bạn bè.

Không nên cho con thấy đối với bạn chúng là điều gì đó vô cùng quan trọng, vì khi biết được trẻ sẽ biết vận dụng điều này một cách nhanh chóng và triệt để với những yêu cầu không đáng có. Bên cạnh đó, bạn cũng nên biết cách đón nhận những yêu cầu của trẻ, nhưng đặc biệt không được nhượng bộ hoặc để lộ ra bạn đang chiều chuộng trẻ.

Khi trẻ bước sang tuổi mới lớn thì trẻ thường có những thay đổi tính nết khác thường. Nhiệm vụ của cha mẹ là phải xác định tâm lý cho mình và có cách đối xử đúng đắn với trẻ như:

- Cần nói cho trẻ biết những gì chúng sắp trải qua, để khi sự thay đổi đến với trẻ về tâm lý cũng như về hình thể thì trẻ có thể bớt lo lắng, sợ hãi và có sự chuẩn bị tiếp nhận những đổi thay tốt hơn.

- Cha mẹ cần quan tâm đến nhu cầu thiết thực của con trẻ, có thể đáp ứng nhu cầu đó một cách có chọn lọc và đúng mức.

- Cư xử với con cái hợp lý, hợp tình và công bằng vì ở độ tuổi này chúng rất nhạy cảm về mọi sự thiên vị hoặc bất công của người lớn.

- Cần giải thích cặn kẽ và tế nhị các thắc mắc về sự phát triển tâm - sinh lý trẻ, không nên tảng lờ, trả lời đại khái hay mắng trẻ, càng không nên cấm chúng hỏi nhiều chuyện thắc mắc thầm kín.

- Có thể trao đổi, đối thoại một cách cởi mở về những tình huống cụ thể của trẻ hay của bạn bè trẻ. Những biến đổi về tâm - sinh lý, những giá trị về tình bạn, tình yêu...

Bên cạnh đó, cần thiết lập sự thân thiện đối với trẻ, tạo niềm tin và làm cho chúng hiểu cha mẹ như một người bạn "lớn tuổi" để tâm sự và trò chuyện một cách cởi mở.

 

Theo Khiêm Hoàng

Vtc.vn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]