Cách nào đẩy lùi bệnh tật trong mùa hè?

SKĐS - Các chuyên gia khuyến cáo, trong mùa hè nguy cơ bệnh tật rình rập, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh xa bệnh tật.

15.6046

Tại buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề “Bệnh mùa hè - Chớ coi thường” do Báo điện tử Suckhoedoisong.vn tổ chức ngày 15/7/2015, sau gần 2 giờ giao lưu với độc giả, các chuyên gia đã giải đáp hầu hết những thắc mắc của người dân về những mối nguy hiểm của các dịch bệnh thường xảy ra trong mùa hè cũng như cách phòng tránh những bệnh này.

Buổi tư vấn được thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai (ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái, Phòng cấp cứu, khoa Truyền nhiễm), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi) và Viện Dinh dưỡng quốc gia (ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng). Chương trình do nhãn hàng Lifebuoy tài trợ.

Các chuyên gia tham gia chương trình: PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới TW; ThS. BSNT. Nguyễn Quốc Thái, Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai; ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Nội dung câu hỏi của độc giả gửi đến các chuyên gia tại buổi tư vấn chủ yếu xoay quanh những bệnh thường gặp vốn lưu hành trong mùa hè ở nước ta như: thủy đậu, sởi, thương hàn, cúm, tay chân miệng, viêm não virus, bệnh dại,… Đây là những bệnh rất dễ lây lan thông qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay.

Trong phần đầu chương trình, trả lời câu hỏi của độc giả về những nguyên nhân nào khiến nhiều người dễ mắc bệnh vào mùa hè, PGS.TS. Bùi Vũ Huy cho biết: Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, mầm bệnh, virút phát triển, kể cả các côn trùng như ruồi, muỗi. Điều đó dẫn đến những bệnh tiêu hóa, bệnh từ muỗi truyền như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết... ngoài ra còn một số bệnh nữa liên quan đến vệ sinh, thời tiết nóng nực như viêm da, dị ứng…

Nhiều câu hỏi về cách phòng chống các bệnh thường xảy ra vào mùa hè đã được gửi đến cho các chuyên gia giải đáp trong chương trình.

Với câu hỏi vì sao ngày càng có nhiều bệnh mới, còn những bệnh cũ thì trở nên khó chữa hơn trước, ThS. BSNT. Nguyễn Quốc Thái giải đáp: Nhiều bệnh truyền nhiễm chúng ta có nhiều thuốc kháng sinh điều trị nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại. Mặc dù có nhiều hành động để ngăn chặn dịch bệnh nhưng mầm bệnh không hề mất đi. Đó một phần là do thói quen khó bỏ của một số người ví dụ như không rửa tay trước khi ăn, hoặc thói quen ăn tiết canh mặc dù được báo chí cảnh báo nhiều nhưng nhiều người vẫn ăn món này. Đây là lý do quan trọng dẫn đến các bệnh truyền nhiễm có cơ hội tồn tại và phát triển.

Nhiều bệnh truyền nhiễm dễ mắc trong mùa hè cũng được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ đến độc giả như: cách phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và lây truyền qua muỗi đốt; các biểu hiện và việc chữa trị bệnh tay chân miệng; với bà mẹ mang thai mà bị thủy đậu thì có những nguy cơ gì, uống thuốc kháng virút thuỷ đậu có gây hại cho thai nhi hay không, chế độ dinh dưỡng như thế nào là phù hợp; tiêm phòng viêm não Nhật Bản vào lúc thời tiết nắng nóng này có được không; cách phòng tránh rôm sảy cho trẻ trong mùa hè; chế độ ăn uống như thế nào để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng tái phát; cách nào hạn chế tăng tiết mồ hôi trong mùa hè…

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân, trong mùa hè nguy cơ bệnh tật rình rập, chúng ta càng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trẻ em vì tay chân các cháu rất dễ tiếp xúc các mầm bệnh khi chơi. Hình thành thói quen cho trẻ ngủ sớm, dậy sớm tập thể dục để giúp trẻ có sức đề kháng tốt và phòng tránh bệnh tật. Chuyên gia dinh dưỡng ThS.BS. Lê Thị Hải cũng đưa ra một số lời khuyên về chế độ ăn uống trong mùa hè như thế nào để tránh xa bệnh tật.

Minh Trí

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]