Cách nào để bớt nám da ?

Hiện tại chưa có phương thức điều trị nào đem lại hiệu quả tuyệt đối, chấm dứt nám da

15.7021

Nám da là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chị em. Đây là tình trạng tăng hắc tố ở da, đa số gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nám da là một vấn đề y khoa và thẩm mỹ đáng được quan tâm bởi vì nó tác động đáng kể đến tâm lý của người bệnh. Tổn thương tăng hắc tố sẽ có màu nâu, xám hoặc đen, thường đối xứng ở những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng, nhất là ở mặt.


Chống nắng rất quan trọng


Nám da là tình trạng tổn thương da rất khó điều trị, thường xuất hiện ở độ tuổi có hoạt động xã hội nhiều (30 - 40 tuổi), tác động chủ yếu là ở làn da mặt. Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Đại học Y Dược TPHCM, cho biết nguyên nhân thường là do các yếu tố như ánh nắng, yếu tố gien hay yếu tố cơ địa, thai kỳ, thuốc ngừa thai, mỹ phẩm, rối loạn nội tiết tố của tuyến giáp hoặc buồng trứng; tình trạng dinh dưỡng...

Trong đó, ánh nắng và yếu tố gen là hai nguyên nhân quan trọng nhất. Nám da, với biểu hiện là các tổn thương “tối màu” trên mặt, gây ảnh hưởng về mặt tâm lý - xã hội bởi vì tình trạng này thường bị cho là “không sáng sủa” và dễ bị “để ý” bởi những người đối diện khi tiếp xúc.


Nám da là tình trạng rất khó và đáp ứng tương đối chậm với điều trị. Do đó, cần kiên nhẫn theo dõi tại các cơ sở y tế đúng chuyên khoa. Mục đích của việc điều trị là làm sao để giảm tối đa tình trạng tăng hắc tố nhưng lại không gây kích thích hoặc giảm sắc tố của những vùng da xung quanh tổn thương.


Việc điều trị có hiệu quả cao khi được phối hợp một cách khoa học cả ba yếu tố là chống nắng, tẩy nám và loại bỏ các yếu tố gây bệnh. Trong đó, chống nắng là công việc bắt buộc và cần phải được thực hiện triệt để. Nhất là từ 10 giờ đến 13 giờ, nên đội mũ rộng vành, mang khẩu trang, găng, vớ khi ra nắng bằng chất liệu vải sợi sậm màu (đen, nâu, xanh đậm...).

Ngoài ra, phải sử dụng kem chống nắng, nên lựa chọn sản phẩm có SPF từ 15 - 30 và phổ hấp thu tia tử ngoại rộng (hấp thu UVB lẫn UVA) là thích hợp nhất. Việc phòng ngừa nám là rất quan trọng bằng cách bảo vệ da chống nắng, áp dụng các biện pháp chống lão hóa da.


Thận trọng khi điều trị bằng mỹ phẩm


Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Út, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, ngày nay sạm da đã có rất nhiều phương pháp điều trị bao gồm cả thuốc thoa tại chỗ, thuốc uống, các phương pháp điều trị bằng máy móc hiện đại như IPL, laser... tác động trực tiếp vào lớp melanine trên tế bào da. Tuy nhiên, một điều nan giải cho cả bệnh nhân và thầy thuốc đó là chữa khỏi thì dễ nhưng giữ được làn da khỏe đẹp như vậy lại rất khó, nguyên nhân là sạm da rất dễ tái phát.


Còn thạc sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh thì cho rằng việc điều trị tẩy nám bằng thuốc bôi tẩy nám thường ít có hiệu quả đối với nám da dạng bì, có khi gây kích ứng da. Nên khởi đầu với thuốc tẩy nám có nồng độ thấp, tăng dần đến khi có phản ứng kích ứng nhẹ hoặc có phản ứng phụ hồng ban, mụn nước.

Nên bôi 1 lần lúc tối trước ngủ trong 2 - 7 ngày, sau đó khi da đã thích ứng thì có thể tăng lên 2 lần mỗi ngày và phải dùng kéo dài hàng tháng, kết hợp chống nắng trong và sau điều trị. Thường 80% các trường hợp tẩy nám có hiệu quả cải thiện tốt sau 8 tuần điều trị.

Vùng da tăng hắc tố sẽ nhạt màu nhanh và hoàn toàn hơn những vùng da xung quanh. Những dạng vitamin C giúp ức chế sự tạo thành hắc tố tại nhiều bước ôxy hóa khác nhau của con đường tổng hợp hắc tố. Nó làm chuyển màu hắc tố từ màu đen sang màu sáng hơn. Tuy nhiên, vitamin C rất dễ bị ôxy hóa trong dung dịch nước. Do đó, chế phẩm kem 10% chứa dẫn chất ổn định được xem là một chất tẩy nám hiệu quả. Còn vitamin E ức chế hoạt tính men tổng hợp hắc tố, thường được bào chế trong công thức kết hợp với vitamin C.


Hiện nay cũng có nhiều phương pháp lột nám da (vật lý, hóa chất) nhưng lột hóa chất là phương pháp thường dùng và tương đối an toàn hơn. Lột có thể nông hoặc trung bình hoặc sâu tùy tình trạng nám. Tuy nhiên, cần phải thật cẩn thận đối với những người có màu da sậm vì sẽ để lại dát thay đổi sắc tố sau viêm. Laser cũng có hiệu quả trong nám sâu. Tuy nhiên, hiện tại chưa có phương thức điều trị nào có hiệu quả tuyệt đối cho tình trạng này. Tuyệt đối không nên dùng các thuốc bôi trên da mặt mà không có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]