Cách ngăn bệnh mùa nắng

Nắng nóng cộng với tình hình kinh tế khó khăn cũng có nguy cơ làm gia tăng bệnh tâm thần, đột quỵ… Nóng, tắm nhiều không phải là tốt.

15.5795
Theo BS Trần Thị Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (CHAC) TP.HCM, nắng nóng bất thường kèm theo sự thay đổi về độ ẩm trong không khí sẽ khiến nhiều người từ lớn đến trẻ em, đặc biệt những người vốn đã có bệnh mạn tính trước đây dễ bị nặng thêm do thời tiết nóng.
 
Sự thay đổi thời tiết này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thông qua hai con đường: Thứ nhất, giảm sức đề kháng do những thay đổi lớn trong sinh hoạt thường ngày: dễ căng thẳng, cáu gắt, mất ngủ, ăn uống kém đi, tắm nhiều lần hoặc sử dụng quạt, máy lạnh, uống nước đá lạnh… Thứ hai, là môi trường thuận lợi cho nhiều vi sinh vật gây bệnh phát triển: vi khuẩn và siêu vi đường hô hấp, tiêu hóa, ở da; đặc biệt là nấm mốc phát triển tốt khi có độ ẩm tăng.
  • 1

    Coi chừng bị tiêu chảy

    Theo lãnh đạo BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 thì hiện chưa thấy bệnh nào tăng đột biến. Tuy nhiên, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, khả năng bệnh đường tiêu hóa sẽ tăng do mọi người thường uống nhiều nước, ăn thức ăn lề đường kém vệ sinh…

    Ngoài ra, theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong mùa khô, có nhiều bệnh dịch xảy ra do điều kiện vệ sinh kém hoặc do chưa có ý thức giữ vệ sinh, thường gặp các bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết và bệnh nhiễm giun sán. Theo TS Siêu, bằng cách giữ tay sạch có thể phòng ngừa được các bệnh khác lây qua đường miệng như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm giun sán…

    Đối với trẻ em, các bệnh lý ngoài da: rôm sảy, mụn nhọt, ghẻ chốc… ở trẻ gia tăng đáng kể do ảnh hưởng của nắng nóng. Bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa, bệnh lý hô hấp như hen suyễn, viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, các bệnh lý lây nhiễm khác: cảm cúm, sốt phát ban, tay-chân-miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết… đều gia tăng. Ngoài ra, sự thay đổi bất thường của thời tiết: Đang nắng nóng, chuyển mưa giông sẽ tạo điều kiện cho nhóm bệnh dị ứng thời tiết bùng phát như viêm mũi dị ứng, chàm, hen suyễn…

  • 2

    Đột quỵ và tâm thần

    PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết thường thì vào mùa nắng nóng, những đối tượng sau đây có nguy cơ bị đột quỵ - tai biến mạch máu não: Người lớn tuổi, hiện trên 70 tuổi; bệnh nhân bị cao huyết áp mà không biết hoặc không được điều trị triệt để; bệnh nhân bị tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2; bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ; người hút nhiều thuốc lá, lạm dụng bia rượu; người béo phì và ít vận động.

    Theo PGS Nam, kinh nghiệm trên thực tế thực hành bệnh viện hằng ngày và theo y văn trên thế giới: Một trong những đối tượng dễ bị đột quỵ nhất là giới doanh nhân do “phung phí” sức khỏe. PGS Nam khuyến cáo điều đầu tiên là phải thay đổi cách sống và làm việc. Tiếp đến là nên khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng.

    BS Trương Chí Thông - chuyên khoa về tâm thần cho biết mùa này bệnh lý thần kinh nói chung và tâm thần nói riêng sẽ làm tăng các ca bệnh mới và những người mắc bệnh cũ cũng tái phát. Có hai yếu tố tác động khiến gây nên bệnh tâm thần và tái phát bệnh tâm thần là thời tiết nắng nóng và đời sống kinh tế-xã hội khó khăn. “Đối với một người bị bệnh tâm thần thì cần một người chăm sóc, tuy nhiên do đời sống hiện đang khó khăn nên ai cũng chăm chú vào kiếm cơm và quên chăm sóc người bệnh, không cho uống thuốc đầy đủ khiến người bị bệnh rối loạn trở lại” - BS Thông nói.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]